(HNM) - Chiều tối 5-11, ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019 đã diễn ra cuộc họp báo Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của đất nước. Thông tin đáng lưu ý là Việt Nam đang giữ vững đà tăng trưởng, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp, nhiều lĩnh vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc.
CPI tăng thấp nhất trong 3 năm
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước họp báo, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10 với một trong các nội dung trọng tâm là thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng, thống nhất những biện pháp triển khai trong những tháng cuối năm nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch cả năm 2019 mà Quốc hội giao.
Các thành viên Chính phủ nhìn nhận, dù thị trường tiền tệ chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, tính thanh khoản được bảo đảm. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là bước sang năm 2020 nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây. Đặc biệt, với tiến độ cắt bỏ thực chất những điều kiện kinh doanh không cần thiết thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Doanh nghiệp thành lập mới 10 tháng tiếp tục tăng với quy mô vốn tăng mạnh. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,5%); đặc biệt ngành Khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm (tăng 1,2%, cùng kỳ năm trước giảm 2,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ (sắt, thép tăng 42,8%; xăng, dầu tăng 33,2%; ti vi tăng 16,4%; điện thoại thông minh tăng 16%).
Vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Với đà hiện nay, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các bộ trưởng, trưởng các ngành không chủ quan, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tập trung chỉ đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, nhất là kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.
Phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã cùng đánh giá, rà soát những tồn tại, bất cập thời gian qua và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Chính phủ nhận định, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; giá nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp.
Xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018. Bên cạnh đó, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019. Cụ thể là vốn trung ương giảm 19,3% so với cùng kỳ, Bộ Giao thông - Vận tải giảm 31,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56%... Các ý kiến còn cho thấy, dù có nhiều giải pháp tăng tốc, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh vẫn bị đánh giá là chậm được cải thiện. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể khá nhiều.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, những vấn đề đang đặt ra rất quan trọng, liên quan tới cả công việc của trung ương và địa phương cũng như việc chỉ đạo thực hiện những giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2019 (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt). Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc đầu tiên, quan trọng là cần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải điều hành một cách khéo léo, linh hoạt.
Trên tinh thần đó, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu; xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. “Sang năm 2020, chúng ta cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, từ ngày 6 đến 8-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các thành viên Chính phủ cần theo dõi, nắm bắt những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm để chuẩn bị nội dung trả lời; đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện những cam kết, lời hứa đã nêu tại các kỳ họp trước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.