Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính hệ thống cần được thể hiện ngay trong chủ trương

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 11/08/2015 06:12

(HNM) - Vấn đề xây dựng văn minh đô thị: Khi Hà Nội đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì xây dựng và quản lý đô thị là một yêu cầu tự thân của vấn đề. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, vấn đề xây dựng, quản lý đô thị theo hướng văn minh lại đang là những thử thách mà Hà Nội không gì dễ vượt qua một sớm một chiều

1. Vấn đề xây dựng văn minh đô thị: Khi Hà Nội đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì xây dựng và quản lý đô thị là một yêu cầu tự thân của vấn đề. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, vấn đề xây dựng, quản lý đô thị theo hướng văn minh lại đang là những thử thách mà Hà Nội không gì dễ vượt qua một sớm một chiều. Trong gần 30 năm đổi mới, vóc dáng Thủ đô đã thay da đổi thịt về chất khá nhiều, nhưng vẫn tồn tại những điều mà hội nghị thì nói mãi, nhân dân thì mong đợi mãi, báo chí viết mãi mà vẫn chẳng thay đổi gì. Đơn cử, vấn đề rất đơn giản như đánh số nhà ở một số tuyến phố không trật tự chút nào. Tôi từng đến phố Đặng Thùy Trâm dưỡng bệnh, mà hai bên phố đều có số chẵn, số lẻ làm taxi không biết đường nào đón khách nếu chỉ nói số nhà. Quận Hai Bà Trưng cũng có phố tương tự. Còn phố nào nữa? Chuyện này khó khắc phục không? Rồi nhà siêu méo, siêu mỏng. Người viết bài này được nghe, được bàn ít ra từ mười năm trước, nhưng nay đài báo lại xới lên ráo riết. Tiếp nữa, các hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh không có chế tài quản lý, người dân tùy tiện sử dụng khi không có ý thức văn hóa.

Lấy ví dụ đơn giản, hè vừa qua, hiện tượng nam, nữ trèo hàng rào sắt cao vào “Lội” (chứ không phải để bơi) ở bể bơi Công viên nước và có người nói toàn người ngoại tỉnh đấy. Liệu thật thế không, không có cơ sở để tin chỉ toàn là người tỉnh ngoài “thích lội” trong bể bơi. Cũng lạ, đi bơi, mà không thể bơi được thì nhảy vào “lội” để làm gì. Thần kinh và tâm lý có sao đâu mà thế nhỉ?

Nếu công dân Thủ đô vô can, thì triết lý “Người khác ở đâu đến làm đấy, không phải chúng tôi đâu” thì liệu dân ta sang Singapore cứ tùy tiện xả rác được không với chính quyền của họ? Vậy cần đặt ra câu hỏi để hành động, sao nước họ đô thị văn minh thế, người tứ xứ đến phải tuân thủ trật tự của họ? Ta làm được như họ không?

Từ hiện tượng “lội” bể bơi đông đúc, ta có thể suy nghĩ gì? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, đó là tầm văn hóa của con người biết tự trọng, không tham lam, làm chủ được bản thân mới làm nên đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Làm sao có được con người ấy, đương nhiên, những tố chất của con người ấy phải được bồi đắp từ gia đình, trường học, cộng đồng, đặc biệt từ sự làm gương của người tử tế. Sự phê phán của cộng đồng phải có vị trí, chứ không thể “mũ ni che tai”, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”. Một yếu tố quan trọng, quyết định và song hành cùng giáo dục là phải có thiết chế pháp luật bảo vệ kỷ cương văn hóa, nếp sống văn minh. Chế tài bảo vệ văn hóa, văn minh luôn cần đủ sức răn đe song hành cùng giáo dục, chứ không hô hào giáo dục suông. Bài học đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy đã chứng minh điều đó.

Trong Dự thảo có cụm từ xây dựng “trật tự, mỹ quan, văn minh đô thị”, từ những bất cập về quản lý đô thị nêu trên, theo chúng tôi thấy nên gọi chung là xây dựng văn minh đô thị, vì trật tự, mỹ quan là tiêu chí của đô thị văn minh. Vấn đề này đâu có khó, vì đã có quy định phân cấp, phân quyền rồi. Vậy sao yếu kém cứ tồn tại? Phải chăng, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát không hiệu quả. Quản lý xử lý những bất cập trên đâu phải của tập thể, mà có người đứng đầu phụ trách đấy chứ. Đã đến lúc, Ban Chấp hành Đảng bộ phải có chủ trương xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Quy mô và tính chất công việc thuộc thẩm quyền cấp nào, người đứng đầu cấp ấy phải chịu trách nhiệm (Ví dụ, sau khi Thành ủy có chủ
trương về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, mà không xử lý được trong nhiều năm thì Ban cán sự UBND và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố phải chịu trách nhiệm, tương tự logic ấy đối với những người đứng đầu các cấp, các ngành), nếu không còn đâu mỹ quan thành phố, còn đâu là văn minh đô thị.

Từ cách phân tích như trên, vấn đề văn minh đô thị phải được xem xét có hệ thống và đồng bộ từ khâu xây dựng con người - trách nhiệm (con người công dân, con người lãnh đạo - quản lý) đến cơ sở vật chất và các chế tài bảo vệ các thiết chế văn minh đô thị. Khi trong chủ trương đã được thiết kế có hệ thống sẽ kéo theo việc đầu tư đồng bộ, đồng thời, không tách rời, vụn vặt. Rất mong tính hệ thống được thể hiện ngay trong từng chủ trương của Dự thảo.

2. Vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) cần được xem xét gắn kết với giảm nghèo bền vững. Đã đến lúc phải cụ thể hóa cách tiếp cận giảm nghèo bền vững (không tái nghèo) theo hướng đa chiều (việc làm, y tế, giáo dục, dân số, thông tin, điều kiện sống), không theo hướng đơn chiều (mức thu nhập) như trước đây.

Bản chất của NTM là không còn nghèo, không để tái nghèo, chất lượng cuộc sống của nông dân được cải thiện ngay trên quê hương NTM và bởi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nông của họ. Về vấn đề này, Dự thảo mới nêu “sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và phấn đấu đến năm 2020 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn” thì “đơn sơ”, “giản dị” quá. Đề nghị, Dự thảo nên định hướng 5 năm tới vấn đề xây dựng NTM phải được gắn kết chặt chẽ với giảm nghèo bền vững, với an sinh xã hội nông thôn, để đầu tư đồng bộ, đồng thời, có hệ thống và không nên trình bày dàn trải, tách biệt từng lĩnh vực đời sống xã hội ở nông thôn, như cách trình bày trong Dự thảo.

3. Trong phần đánh giá về hạn chế, khuyết điểm, Dự thảo nêu: “Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô...”. Hay, một trong những nguyên nhân của hạn chế là “Sự phối, kết hợp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành giữa một số bộ, ngành trung ương và thành phố chưa kịp thời, chặt chẽ”. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, hai mệnh đề trên, ít ra Báo cáo chính trị Đại hội XIV, XV đã đề cập, Dự thảo lần này lại nhắc đến nhận định tương tự như trên thì quả không nên! Hiện tượng này làm cho đảng viên có nhiều điều để suy nghĩ!

4. Trong phần Phương hướng chung, Dự thảo có ghi “… huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò là Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”, đặt vấn đề như vậy là chưa chuẩn, mà phải là xứng đáng với vị thế “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa…” như trong Nghị quyết 10/TƯ/2001 của Bộ Chính trị về Hà Nội. Nội hàm “Đầu não chính trị - hành chính quốc gia” khác và quan trọng hơn “Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia”.

Đảng bộ Hà Nội có số đảng viên lớn nhất so với các Đảng bộ cùng cấp, hơn nữa Đảng bộ Hà Nội lại là Đảng bộ Thủ đô. Vị thế ấy đã và đang tạo ra cho Đảng bộ Hà Nội nhiều lợi thế cũng như sức ép để đi đầu trong lĩnh vực tư duy sáng tạo, đổi mới hoạt động xây dựng đảng, mà trước hết là tư duy hình thành các chủ trương trên nền khoa học và bám sát thực tiễn của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tính hệ thống cần được thể hiện ngay trong chủ trương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.