(HNM) - Đồng Nai là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện. Những dự án này khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển lớn không chỉ cho tỉnh Đồng Nai nói riêng mà cho cả toàn vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Đại dự án sân bay Long Thành
Ngày 5-1-2021, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành được chính thức khởi công, đánh dấu “mốc son” quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch một sân bay lớn nhất cả nước kéo dài trong hơn một thập kỷ. Sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 5.000ha với công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong chuyến kiểm tra thực tế dự án vào đầu tháng 10-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá: “Sau 2 năm triển khai, dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hình thành vóc dáng của một đại công trường”.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án thành phần 3 (xây dựng các công trình thiết yếu trong sân bay), dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã có 4 gói thầu được triển khai thi công. Với gói thầu san nền, thoát nước, các nhà thầu đã đạt tổng khối lượng đào đắp hơn 26,7 triệu mét khối đất. Sau 10 tháng thi công, Phó Tổng Giám đốc ACV, Giám đốc Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành Đỗ Tất Bình cho biết, để bảo đảm tiến độ, các nhà thầu thi công đã huy động khoảng 1.500 đầu xe, máy móc thiết bị, đồng thời thực hiện thi công làm 3 ca, 4 kíp.
Đối với gói thầu rà phá bom mìn, hiện đã đạt hơn 94% khối lượng thi công tại khu vực xây dựng giai đoạn 1 và gần 92% tại khu vực dự trữ đất cho giai đoạn 2. Còn gói thầu xây dựng tường rào đã thực hiện được hơn 6,7km/7,85km, đạt gần 86%. Riêng gói thầu móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành với việc đóng xong toàn bộ 1.545 cọc và hoàn trả mặt bằng để sẵn sàng thi công phần thân nhà ga.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh cho biết, hiện miền Nam đã bước vào mùa khô năm 2022-2023, rất thuận lợi cho việc thi công. Vì vậy, hàng loạt hạng mục khác của dự án như xây dựng phần thân nhà ga, sân đỗ, đường bằng… sẽ đồng loạt được triển khai. Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ năm 2025, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Tạo hệ thống giao thông đồng bộ
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có 4 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm quốc gia khác đang và sắp được triển khai. Đây là những dự án góp phần tạo ra những “đường băng” mới để tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung “cất cánh” phát triển.
Được khởi công vào cuối tháng 9-2020, dự án đường cao tốc Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) có chiều dài 99km, mặt đường rộng hơn 32m, quy mô 6 làn xe, vận tốc cho phép 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư... Tính đến tháng 12-2022, dự án đang bước vào giai đoạn nước rút để về đích.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối Đông Nam Bộ với duyên hải Nam Trung Bộ. Cuối tháng 11-2022, trong chuyến đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các nhà thầu phải tập trung tối đa cho công tác thi công, bảo đảm đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023.
Còn dự án đường cao tốc Bến Lức (tỉnh Long An) - Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng chiều dài là 57,8km, qua các tỉnh Long An (2,7km), thành phố Hồ Chí Minh (26,4km) và tỉnh Đồng Nai (28,7km), được khởi công từ tháng 10-2014; tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 12-2022, dự án đã thực hiện được hơn 80% khối lượng thi công. Để sớm hoàn thành dự án giao thông quan trọng nối Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, các bên liên quan đã đề xuất triển khai cấp bách 4 nội dung, phấn đấu hoàn thiện dự án trong tháng 9-2025.
Đáng chú ý, tháng 6-2022, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 1. Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng. Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với quy mô đến 8 làn xe. Trong tương lai, đây cũng sẽ là trục kết nối chính giữa trung tâm công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương qua sân bay Long Thành đến cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và “chia lửa” cho quốc lộ 51. Quốc lộ 51 hiện thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do lượng phương tiện qua tuyến quá lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho phát triển kinh tế xã hội khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
Ông Nguyễn Đức Quang, người dân ngụ ở xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhận định: “Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi đi vào hoạt động sẽ giúp tăng nhanh lượng xe chuyên chở hàng hóa từ khu vực sản xuất lớn của tỉnh Đồng Nai đến cảng biển lớn nhất nước đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng tôi rất kỳ vọng và mong đợi dự án sớm triển khai”.
Còn dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; được chia thành 8 dự án thành phần, vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án là giai đoạn năm 2022-2027. Trong đó, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/giờ; đường song hành hai bên, cấp đường ô tô đô thị 60 km/giờ…
Ngoài các dự án đường bộ, tháng 8-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành. Tuyến đường sắt này dài khoảng 65km. Điểm đầu tại Ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là đường sắt tốc độ cao, đường ray khổ 1.435mm; tổng mức đầu tư dự án hơn 50.800 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, tại tỉnh Đồng Nai dự kiến còn phối hợp xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 37,5km, nối từ Ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) đến sân bay Long Thành. Dự kiến tuyến sẽ xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tổng mức đầu tư hơn 40.500 tỷ đồng theo phương thức PPP.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Đồng Nai dân số gấp rưỡi Bình Dương, gấp ba lần Bà Rịa - Vũng Tàu, đất đai cũng rộng hơn, nhưng thu ngân sách cũng chỉ bằng hai tỉnh này. Như vậy là chưa đúng với tiềm năng. Địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng để triển khai các dự án giao thông nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng chưa đồng bộ, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm lực phát triển của Đồng Nai và của cả Đông Nam Bộ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.