(HNM) - Một điểm rất đáng chú ý trong Chỉ thị số 17-CT/TU về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố vừa được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành là “bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết”.
Thực tế trong những năm qua, đặc biệt là thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trên địa bàn Thủ đô đã được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với quan điểm xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng chăm lo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp…
Đặc biệt, những ngày này, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô đã, đang bắt đầu thực hiện các chương trình chăm lo cho người dân đón Tết Quý Mão 2023 được đầy đủ, đầm ấm, yên vui. Nổi bật có thể kể đến các chương trình, như: “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”; “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023… do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức. Thành phố cũng sẽ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của thành phố cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Đáng chú ý, các cấp chính quyền của thành phố sẽ tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách; các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong những ngày Tết…
Quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội là chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón mừng năm mới 2023 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân.
Trên tinh thần này, ngay từ bây giờ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội của Thủ đô cần triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và thành phố đối với các đối tượng hưởng chính sách, người có công, hỗ trợ gia đình thuộc diện hộ nghèo, người cao tuổi; công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Quá trình thực hiện cần rà soát kỹ lưỡng, tránh bỏ sót đối tượng, nhất là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Ngoài các chính sách hiện hành của Trung ương và sự hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp của Thủ đô, căn cứ vào điều kiện cơ quan, đơn vị cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp khác để có thể hỗ trợ thêm người còn khó khăn, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tương tự, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi gia đình và cá nhân, tùy theo khả năng, điều kiện của mình, phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” cùng chung tay giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, những người yếu thế, góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết là trách nhiệm cao cả nhưng cũng là tình cảm sâu nặng với đồng bào còn khó khăn xuất phát từ trái tim của mỗi người dân Thủ đô. Bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” sẽ luôn tô điểm cho bản lĩnh, khí chất con người Thủ đô thanh lịch, văn minh và giàu lòng nhân ái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.