Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hà Nội dự kiến nhu cầu đầu tư là 650.000 tỷ đồng

Việt Tuấn - Hiền Thu| 22/09/2021 14:43

(HNMO) - Chiều 22-9, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tập trung thảo luận về các tờ trình, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra về một số nghị quyết chuyên đề.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội dự phiên họp theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

Kỳ họp vẫn được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hội trường HĐND - UBND thành phố tới 54 điểm cầu quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành của thành phố.

Dự tại điểm cầu Hội trường HĐND - UBND thành phố có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố.

Mở đầu phiên làm việc, HĐND thành phố đã xem xét về: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2021 và việc các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.

Theo đó, về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), thành phố dự kiến nhu cầu đầu tư theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã là 650.000 tỷ đồng. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.

Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư 45 dự án với 29.697 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng số tiền 1.350 tỷ đồng.

Quang cảnh kỳ họp.

Tiếp đó, HĐND thành phố xem xét tờ trình về điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021; tờ trình về các nội dung chi, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố, gồm: Một số nội dung chi và mức chi thực hiện công tác điều tra dư luận xã hội theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung chi, mức chi các hoạt động y tế, dân số trên địa bàn sử dụng kinh phí sự nghiệp thành phố; nội dung, mức chi thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật địa phương; mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao; chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ; mức hỗ trợ hằng tháng đối với công chức tư pháp - hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực.

Theo đó, về điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021, UBND thành phố đề xuất điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục đã duyệt 17 dự án thu hồi đất năm 2021 với diện tích 49,21ha và 10 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 14,19ha. Đồng thời, UBND thành phố đề nghị bổ sung danh mục 623 dự án thu hồi đất với diện tích 1.942,9ha và 352 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 486,11ha.

Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố xem xét về: Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố; quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố từ năm học 2021-2022; chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô từ năm học 2021-2022; quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố.

Cụ thể, đối với quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của nhà nước: Ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Ngoài ra, HĐND thành phố xem xét tờ trình về Quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố; xem xét tờ trình về Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND thành phố.

Theo tờ trình, đối tượng bảo trợ xã hội gồm 8 nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm 6 nhóm đối tượng); đối tượng “người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập” không còn thuộc diện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, UBND thành phố đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do trung ương quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).

Ngày mai (23-9), HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục làm việc và bế mạc kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội dự kiến nhu cầu đầu tư là 650.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.