Thoát nước cho các khu đô thị phía Tây Hà Nội: Vẫn chờ giải pháp căn cơ...; Hệ thống nhà văn hóa thôn ở Hà Nội: Khai thác thế nào cho hiệu quả?; Dự báo giá hàng hóa cho đến cuối năm 2024: Tiếp tục xu hướng biến động mạnh; Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E8: Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo của một số công ty; Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 6-8-2024.
Thoát nước cho các khu đô thị phía Tây Hà Nội: Vẫn chờ giải pháp căn cơ...
Nằm trong danh sách các “điểm đen” về ngập úng trên địa bàn thành phố, hàng loạt khu đô thị, tuyến đường thuộc khu vực phía Tây Hà Nội đang tiếp tục chịu cảnh chìm trong biển nước sau mỗi trận mưa lớn. Các biện pháp xử lý hiện nay vẫn chỉ mang tính tình thế, trong khi giải pháp căn cơ về lâu dài vẫn phải... chờ!
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay: “Về lâu dài, thành phố cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như các trạm bơm Nam Thăng Long, Ba Xã và hệ thống các hồ điều hòa như Cổ Nhuế 1 và 2, Phú Đô… để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho khu vực này”.
Hệ thống nhà văn hóa thôn ở Hà Nội: Khai thác thế nào cho hiệu quả?
Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp và xây mới nhiều nhà văn hóa ở các thôn, tổ dân phố khu vực ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, hội họp của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà văn hóa thôn vẫn chưa được các địa phương khai thác hết công năng để trở thành nơi xây dựng các phong trào văn hóa ở ngoại thành Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, điểm mấu chốt là các địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động tại nhà văn hóa. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí gắn với nhu cầu của nhân dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng để thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt...
Dự báo giá hàng hóa cho đến cuối năm 2024: Tiếp tục xu hướng biến động mạnh
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Dương Đức Quang cho biết, giai đoạn tới, thị trường nhiều khả năng vẫn tiếp tục biến động mạnh. Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, thời tiết vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới diễn biến lên giá trong quý III năm nay. Riêng với cà phê có thể neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, do nguồn cung nhìn chung vẫn eo hẹp. Đối với nhóm kim loại, diễn biến giá dự kiến sẽ có sự phân hóa giữa nhóm kim loại cơ bản và kim loại quý. Nhu cầu tiêu thụ hạn chế có thể gây áp lực lên các mặt hàng thuộc nhóm kim loại cơ bản, nhất là giá đồng và quặng sắt…
Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E8: Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo của một số công ty
Trong đơn gửi tới Báo Hànộimới, một số bạn đọc cho biết đã đăng ký, nộp tiền để được đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế T&T theo chương trình Visa E8 nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế, Visa E8 là chương trình lao động thời vụ, một hợp tác phi lợi nhuận giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc nên không cho phép bất cứ doanh nghiệp nào tham gia tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều người lao động đã không tìm hiểu kỹ nên trở thành nạn nhân của một số công ty lừa đảo.
Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Như Tuấn cảnh báo: "Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình Visa E8 nhất định phải tìm hiểu kỹ, đến trực tiếp UBND xã, huyện, sở lao động - thương binh và xã hội tỉnh, thành phố để nắm thông tin, đăng ký tuyển dụng theo quy định về xuất khẩu lao động”.
Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó: Những câu chuyện riêng - chung
Quá trình tìm hiểu thực tiễn tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa..., phóng viên Báo Hànộimới được tiếp xúc với nhiều người dân, lắng nghe những câu chuyện riêng - chung từ việc chia tách, thay đổi phường, xã với bao bộn bề mừng - lo chộn rộn. Nổi lên trong đó, không chỉ là câu chuyện của giấy tờ tùy thân hay thủ tục hành chính, mà còn chất chứa những trăn trở, băn khoăn về bản sắc văn hóa, tập quán, con người...
Trong câu chuyện băn khoăn của người dân Chàng Sơn, ông Phí Đình Thắng - một vị cao niên trong xã trải lòng: Trước kia Chàng Sơn có tên gọi là "thôn Chàng", nổi tiếng với giai thoại về cụ phó Sần cùng nhóm thợ mộc trong thôn đi "chữa đền" cho Tản Viên Sơn Thánh, trong đó “Chàng” là tên gọi của một dụng cụ làm mộc cổ ở làng. Cái chàng, cái đục đã gắn với truyền thuyết về các bậc tiền nhân ở làng như thế. Chỉ đến sau kháng chiến chống Pháp, thôn mới được đổi tên thành Chàng Sơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.