Xã hội

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 5-8-2024

HNMO 05/08/2024 - 07:09

“Nới lỏng” nhiều quy định, tiêu chí về nhà ở xã hội; Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn; Đề xuất cải thiện an toàn giao thông đường sắt từ Hà Nội qua nhiều tỉnh, thành; Dự án dở dang, hàng nghìn người chịu khổ; Hàng loạt hoạt động khám phá, trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 5-8-2024.

nha.jpg
Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm).

“Nới lỏng” nhiều quy định, tiêu chí về nhà ở xã hội

Trước thời điểm Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 1-8-2024), ngày 26-7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100). Đây là phân khúc nhà ở đang được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm, đẩy nhanh gỡ vướng các thủ tục pháp lý liên quan đến triển khai dự án và người dân tiếp cận nhà ở xã hội.

“Việc nới điều kiện về thu nhập của một cá nhân lên con số 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với 2 vợ chồng sẽ được tiếp cận nhà ở xã hội là cách tiếp cận rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội hiện tại, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời theo sát các chính sách nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới là tính tổng thu nhập của hộ gia đình thay vì chỉ tính riêng cá nhân. Ngoài ra, khi tiếp cận theo hướng tổng thu nhập của hộ gia đình (gồm 2 vợ chồng) với tổng thu nhập không vượt quá ngưỡng 30 triệu đồng/tháng, sẽ giúp các đối tượng có nhu cầu về nhà ở dễ tiếp cận hơn với các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, đơn cử như gói 120.000 tỷ đồng hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Nam nêu cụ thể.

nn.jpg
Người dân chăm sóc rau hữu cơ tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển của nhiều địa phương nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường. Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa ra thị trường những sản phẩm ngon, sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

yte.jpg
Điều trị cho bệnh nhân bị suy đa tạng, rối loạn đông máu do nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn

Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng những ngày qua tại các bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó đã có trường hợp tử vong. Chính vì vậy, để phòng bệnh, người dân không nên chủ quan mà cần tuân thủ thực hiện vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, không ăn tiết canh hay thịt lợn ốm, chết và thực phẩm chưa nấu chín kỹ.

Để phòng tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Ngoài ra, nên tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường hoặc có dấu hiệu xuất huyết, phù nề. Điều đáng nói là vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần nấu chín kỹ thức ăn và tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món tái, đặc biệt là tiết canh. Với những người có vết thương hở khi giết mổ hoặc tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống cần phải đeo găng tay.

mt.gov.vn-images-editor-images-nguyen-nam-2018-thang-8-atgt-_thay-tuong-duong-sat-muon-thoat-tieng-tri-tre147742053420161026092233_2101260.jpg

Đề xuất cải thiện an toàn giao thông đường sắt từ Hà Nội qua nhiều tỉnh, thành

Ban Quản lý dự án 2 vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự án cải thiện an toàn giao thông đường sắt sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Dự án có mục tiêu nâng cao an toàn chạy tàu, cắt giảm chi phí duy tu và vận hành hằng năm của các đường ngang hiện tại sau khi xây dựng nút giao khác mức với đường bộ; xoá bỏ hiện tượng ùn tắc đường bộ khi có tàu thông qua. Theo đó, dự án sẽ đầu tư các công trình giao cắt khác mức cho 21 vị trí giao cắt giữa 4 tuyến đường sắt (bao gồm các tuyến Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng, Yên Viên-Lào Cai và Hà Nội-Đồng Đăng) với các quốc lộ nằm trên địa phận 13 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam.

ngap.jpg
Cảnh ngập lụt diễn ra thường xuyên với các hộ dân dọc mương Kẻ Khế thuộc hai phường Đội Cấn và Kim Mã (quận Ba Đình).

Dự án dở dang, hàng nghìn người chịu khổ

Do ảnh hưởng từ dự án “treo”, hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc mương Kẻ Khế, thuộc hai phường Đội Cấn và Kim Mã (quận Ba Đình) phải sống chung với ô nhiễm suốt 16 năm qua. Mức độ ô nhiễm trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

hnm.1cdn.vn-2024-07-02-_x2jwsmial7-puhrm6ldeaftsglk4hdqlebf-afys-wbhcel-agaukbq6tgtqx8hblqa1uniwtsceoc-bqf7yav6kziot6ecifkrutp-epyjq0-jfkzyuv1kd-_9k.jpg

Hàng loạt hoạt động khám phá, trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ nay đến ngày 31-8, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức các hoạt động với chủ đề “Mùa hè - Trải nghiệm và khám phá” nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoạt động tháng 8 với sự tham gia hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc. Du khách sẽ được tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca, dân vũ, lễ hội, ẩm thực của cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Làng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 5-8-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.