Ấm tình đồng chí, nghĩa đồng bào; Xe điện 4 bánh phục vụ du lịch kết hợp vận tải công cộng: Nên mở rộng phạm vi hoạt động; Thúc đẩy dịch vụ mobile money phát triển: Tạo cân bằng giữa các trung gian thanh toán; Cấp thiết hoàn thiện khung pháp lý về khởi nghiệp; Gần 500 ki ốt tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai): "Vướng" chuyện bổ sung hạng mục phòng cháy… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 12-9-2024.
Ấm tình đồng chí, nghĩa đồng bào
Những ngày này, dù cơn bão số 3 đã đi qua nhưng hoàn lưu của bão khiến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thủ đô vẫn bộn bề công việc. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương, thành phố, nhiều người dân đã phát huy cao độ tinh thần “tương thân, tương ái” bằng những việc làm thắm đượm tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Qua đó, góp phần dệt nên hình ảnh đẹp sau những cơn mưa dài…
Cơn bão số 3 khiến ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Dung, ở cụm dân cư số 3, xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) bị tốc mái. Ngay khi bão vừa tan, chính quyền địa phương đã rất kịp thời cử người đến dọn dẹp, sửa sang lại mái nhà cho chị. Đặc biệt, lãnh đạo huyện Thường Tín và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đến tận nhà thăm, trao quà động viên chị. Xúc động trước sự quan tâm đặc biệt này, chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Đây là nguồn động viên rất to lớn đối với tôi, là động lực để tôi tiếp tục sống sau những mất mát do bão gây ra”.
Xe điện 4 bánh phục vụ du lịch kết hợp vận tải công cộng: Nên mở rộng phạm vi hoạt động
Sau 14 năm, loại hình xe điện 4 bánh có gắn động cơ chở khách du lịch trong khu vực thí điểm của thành phố Hà Nội được đánh giá có nhiều ưu điểm. Các cơ quan chức năng thành phố đang kiến nghị mở rộng phạm vi hoạt động của loại hình này một cách hợp lý để không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, mà còn phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (thành phố Hải Phòng) chia sẻ: “Gia đình tôi lần nào đến Hà Nội cũng chọn xe điện để tham quan phố cổ vì thuận tiện, văn minh. Hành khách có thể dễ dàng đắm mình vào các không gian văn hóa, du lịch của Thủ đô ở những góc tiếp cận gần gũi”.
Thúc đẩy dịch vụ mobile money phát triển: Tạo cân bằng giữa các trung gian thanh toán
Dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) đã được Chính phủ cho phép thí điểm từ năm 2021 và tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2024. Thực tế cho thấy, việc triển khai dịch vụ mobile money đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tạo sự cân bằng giữa các trung gian thanh toán. Để thúc đẩy dịch vụ này tiếp tục phát triển sau thời gian thí điểm, cần xây dựng quy định chính thức phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một chuyên gia trong ngành phân tích, tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đều nắm trong tay công nghệ, hơn thế lại có hệ thống bán hàng rộng khắp. Nếu tận dụng được các yếu tố này, dịch vụ mobile money sẽ rất phát triển. Mặt khác, việc tạo điều kiện cho các trung gian thanh toán vốn là những tập đoàn nhà nước lớn, có nhiều lợi thế như Viettel, VNPT, không chỉ thúc đẩy dịch vụ này phát triển, đem đến sự lựa chọn đa dạng cho người dùng, mà còn tạo sự cân bằng trong cán cân thanh toán giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Cấp thiết hoàn thiện khung pháp lý về khởi nghiệp
Thực tế cho thấy, hiện có hơn 30 khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo. Tình trạng này đã gây lúng túng trong công tác quản lý, cũng như xây dựng và thực thi các chính sách liên quan. Để xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là rất quan trọng và cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xây dựng Nghị định này.
Gần 500 ki ốt tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai): "Vướng" chuyện bổ sung hạng mục phòng cháy
Gần 500 ki ốt tại 23 tòa chung cư thuộc khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) bị thay đổi thiết kế so với phương án phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt trước đó nên hiện nay bắt buộc phải hoàn thiện bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề này đang là khúc mắc của một bộ phận cư dân, khiến không ít người bức xúc...
Thực tế, việc tùy tiện cho người sử dụng ki ốt được phép cải tạo, làm gác xép đã dẫn đến những phức tạp hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, xác định việc làm thêm gác xép với hàng trăm ki ốt và số tiền thu để hoàn thiện hạng mục phòng cháy, chữa cháy đã đúng quy định chưa? Việc này sẽ giúp giải tỏa những khúc mắc về vấn đề này tại Khu đô thị Thanh Hà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.