(HNM) - Có một họa sĩ đã 20 năm mê mải khắp chốn để chứng kiến nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đắm chìm trong những điệu hát văn rộn ràng, nhập hồn theo từng động tác nhảy múa rồi chuyển thành màu sắc trong tranh sơn mài.
Họa sĩ sinh năm 1967 với nhiều thành tích trong hoạt động mỹ thuật này cho biết, nghi lễ hát văn, hầu đồng là đề tài mà anh theo đuổi lâu nhất, cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngưng nghỉ. “Ngôi đền Vua Bà quê tôi thờ người phụ nữ đã chỉ dẫn thủy triều lên, xuống cho Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên, là nơi tôi biết đến hầu đồng. Những rộn ràng thanh âm, không gian ngập tràn ảo giác nghệ thuật thật lạ đã chạm vào cảm xúc của tôi. Tự mình thấy nhất định phải vẽ, phải tái hiện lại bằng tác phẩm”, họa sĩ Trần Tuấn Long kể về khoảnh khắc cách đây 20 năm khiến anh bị mê hoặc.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vốn có sức sống rất mạnh mẽ và nguồn lực bảo tồn dồi dào. Ở đó, người ta gặp cả ý nghĩa tâm linh lẫn nghệ thuật diễn xướng, nhảy múa cùng hòa quyện. Nhưng, tác phẩm nghệ thuật về hình thức thực hành tín ngưỡng này thì không có nhiều và bởi thế, sự kiên trì của họa sĩ Trần Tuấn Long rất đáng trân trọng. Khoảnh khắc thăng hoa đầy cảm xúc của các thanh đồng trong một không gian nhỏ tạo hưng phấn cho người thưởng thức, giúp con người hòa đồng cùng thiên nhiên, gắn bó với cội rễ. Đó chính là điểm mấu chốt được họa sĩ nắm bắt và đưa vào trong hầu hết tác phẩm. Trần Tuấn Long chọn sơn ta - chất liệu mà anh đã có nhiều năm cùng đồng nghiệp ở Nhóm họa sĩ sơn ta gìn giữ, khám phá, có lẽ cũng bởi tín ngưỡng thờ Mẫu mang màu sắc dân tộc, thích hợp nhất khi dùng chất liệu sơn mài truyền thống để khắc họa.
Những tưởng sau 20 năm thì họa sĩ đã vẽ được nhiều lắm, nhưng theo tiết lộ của anh, chỉ vào khoảng 30 bức. Trong đó, Trần Tuấn Long chọn lọc 26 bức cho triển lãm “Giá Thánh” sắp tới. Đó là một sự chắt chiu ý tưởng, chăm chút rất lâu cho từng tác phẩm. Các bức vẽ ban đầu được thực hiện theo cảm xúc nhưng về sau, chúng được hoàn thiện cùng với sự hiểu biết nhiều hơn về nghi lễ hát văn, hầu đồng mà anh đã có được nhờ tìm hiểu sâu hơn về tín ngưỡng này, tham gia hàng trăm nghi lễ hầu đồng ở nhiều địa phương, đọc sách. 30 bức tranh có điểm chung là cùng phác họa về chân dung người phụ nữ vào vai các giá đồng. Những đặc điểm cụ thể từ màu sắc trang phục, cách trang điểm đến dáng điệu của mỗi thanh đồng được họa sĩ khắc họa chính xác, làm nổi bật vai ông Hoàng, bà Chúa mà họ hóa thân.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định: “Việc đặt chân dung người phụ nữ với sự duyên dáng đời thường vào vai các giá đồng đã làm cho tranh của Tuấn Long vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa có sự nghiêm trang vừa giản dị đáng yêu”. Nhưng, đằng sau mỗi thanh đồng đương đại ấy lại là nơi để họa sĩ thể hiện vốn cổ của mình. Anh đưa hoa văn, hình ảnh hiện vật đặc trưng của không gian đình chùa, miếu mạo thu nạp được vào tranh một cách có chủ đích.
Một đặc điểm đáng chú ý trong bộ tranh này của họa sĩ Trần Tuấn Long là việc sử dụng ngọn lửa bao quanh nhân vật để vừa giải quyết khâu ánh sáng vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh. Những ngọn lửa múa mồi, múa hương khơi lên lòng nhiệt thành tín ngưỡng, dẫn dắt con người vào cõi tâm linh.Triển lãm mở cửa tự do đến hết ngày 15-3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.