(HNM) - Lễ hội đầu xuân là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Việt. Từ bao đời, lễ hội như một sợi dây nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi lưu giữ lịch sử và cũng tạo sự gắn kết cộng đồng.
Riêng ở Hà Nội, mở đầu cho một mùa lễ hội hằng năm thường là hội Gò Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết. Đây là một trong những lễ hội truyền thống điển hình cho sự gắn kết giữa hiện tại với lịch sử. Sau hội Gò Đống Đa, trong tháng Giêng còn một số lễ hội lớn sẽ diễn ra tại Hà Nội như hội Chùa Hương, hội Cổ Loa, hội Đền Sóc…
Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động lễ hội ở nhiều nơi gây ra không ít "điều tiếng" khiến dư luận bức xúc. Một số ý kiến cho rằng lễ hội đang bị biến tướng nhiều, mất bản sắc và kém hấp dẫn. Song, nếu nhìn sâu từ góc độ văn hóa truyền thống thì quan điểm này có phần chưa xác đáng. Thực tế thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nhận diện lễ hội truyền thống một cách mạch lạc hơn. Có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được bàn thảo, thậm chí nghiêm khắc chấn chỉnh để quản lý, tổ chức lễ hội làm sao cho vui vẻ, an toàn mà vẫn giữ được sự thiêng liêng.
Những năm trước, nhiều lễ hội đã bị dư luận phê phán là "không còn phù hợp" nên xóa bỏ, như lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội cầu trâu ở Tam Nông (Phú Thọ), hay một số lễ hội mới được hình thành cũng khiến cho dư luận trăn trở về sự cần thiết của nó. Trước thực tế này, năm 2015, Ban Bí thư Trung ương đã có Chỉ thị số 41 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 229 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt mới đây Bộ VH-TT&DL ban hành Chỉ thị 04 ngày 13-1-2016 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016. Bộ VH-TT&DL yêu cầu các địa phương giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, không tổ chức các lễ hội có nội dung bạo lực, truyền bá các hành vi "ác", những hoạt động có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo nói trên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý lễ hội. Thành phố đã yêu cầu dừng tổ chức lễ hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ vốn thu hút sự quan tâm của người dân thời gian qua. Không chỉ ngừng tổ chức các lễ hội không cần thiết, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác quản lý và tổ chức sao cho lễ hội phải thật sự vui tươi, lành mạnh và an toàn. Một tín hiệu vui là ngay tại một số điểm hoạt động tín ngưỡng đầu năm ở Thủ đô trong dịp Tết này đã có những chuyển biến tốt. Nhằm phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản tại các địa điểm tâm linh, Công an TP Hà Nội đã bố trí 200 trinh sát hỗ trợ công an cơ sở bảo đảm an ninh trật tự. Tại Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh, đền Ngọc Sơn… nơi thu hút nhiều người dân tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh, năm nay đã hạn chế mức thấp nhất các biểu hiện phi văn hóa khác như chen lấn, xô đẩy, đốt vàng mã tràn lan, các tệ nạn như cờ bạc, trộm cắp, "chặt chém", xả rác bừa bãi...
Vào mùa lễ hội 2016, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương đang vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ hơn bằng những việc làm cụ thể để hạn chế, tẩy trừ những hành vi phi văn hóa. Dẫu biết rằng không dễ gì loại bỏ tất cả những cái xấu. Nhưng chắc chắn rằng diện mạo văn hóa lễ hội sẽ có nhiều nét mới, lành mạnh và an toàn hơn. Lễ hội sẽ trở về với ý nghĩa đích thực khi người tổ chức, quản lý lễ hội và cả người tham gia lễ hội thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.