(HNM) - Sau nhiều ngày chờ đợi, ngày 6-12, Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông điệp sáp nhập 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh là: Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Thương mại cổ phần Đệ Nhất (Ficombank).
Lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản trước đó cho 3 đơn vị trên được giao lại cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quản lý, với tư cách là cổ đông nhà nước tại ngân hàng hợp nhất. Một điều đáng lưu ý là 3 ngân hàng thương mại này "tự nguyện" sáp nhập, tên ngân hàng sẽ được hội đồng quản trị mới quyết định. Lý do sáp nhập, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong thời gian hoạt động vừa qua, 3 ngân hàng nói trên lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản tạm thời...
Sáp nhập 3 ngân hàng thương mại loại nhỏ dưới "bàn tay" của một "bà đỡ" giàu tiềm lực được xem là biện pháp tối ưu, có thể tránh được nhiều vấn đề phát sinh rủi ro. Theo thỏa thuận sáp nhập, BIDV và 3 ngân hàng TMCP sẽ cùng hành động để hỗ trợ tích cực cho ngân hàng hợp nhất, bảo đảm hình thành thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính, quản trị kinh doanh... Tuy nhiên, sáp nhập không đơn giản là phép tính cộng. Trước mắt là hàng loạt vấn đề như giải quyết nghĩa vụ nợ giữa tổ chức tín dụng với người gửi tiền, giữa tổ chức tín dụng với tổ chức tín dụng, rồi quyền lợi của các cổ đông hiện hữu… Xử lý nghĩa vụ còn lại của những đơn vị này, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể giải quyết ổn thỏa. Như vậy người gửi tiền có thể yên tâm. Vấn đề đáng ngại của 3 ngân hàng TMCP là: năng lực quản trị kinh doanh yếu. Liệu với năng lực như vậy, người ta có thể vận hành tốt một ngân hàng lớn hơn? Thế nhưng với một hội đồng quản trị mới, chắc chắn sẽ có bộ máy mới phù hợp để thực hiện tiêu chí đặt ra.
Ở một khía cạnh khác, việc sáp nhập 3 ngân hàng TMCP cho thấy tín hiệu "hành động" của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và về cơ bản, Chính phủ đã thông qua. Theo lộ trình của đề án, từ nay đến hết năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sắp xếp, chia nhóm các ngân hàng dựa trên tình trạng hoạt động của họ, trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo tính thanh khoản cho những đơn vị còn yếu kém…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại là hợp lý và kịp thời, có thể tránh được sự đổ vỡ cho cả hệ thống… Tuy nhiên, cũng có không ít vấn đề đặt ra. Khoảng mươi năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Đến những năm 2008, 2009, hệ thống ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu bất ổn, tính thanh khoản có không ít vấn đề , tại sao không triệt tiêu các yếu tố rủi ro từ khi mới phôi thai? Tại sao phải đứng trước nguy cơ đổ vỡ mới quyết liệt hành động? Có cần xem xét, nhìn nhận lại cơ chế, thể chế quản lý ngân hàng hiện nay hay không?…
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, không thể đặt vấn đề tái cấu trúc ngân hàng tách rời việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Bởi nếu hệ thống ngân hàng khỏe mạnh mà các khách hàng "ốm yếu" thì chắc chắn không thu được kết quả như mong muốn. Bởi tình trạng nợ xấu thường có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp. Do vậy, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại cần đặt trong bối cảnh chung và thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, công khai triệt để…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.