Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu đáng mừng cho cải lương

Ngọc Bảo| 27/12/2013 06:53

(HNM) - Chỉ trong nửa tháng trở lại đây, người yêu sân khấu Thủ đô có dịp thưởng thức nhiều vở cải lương về đề tài lịch sử. Những vở diễn nói trên đã khép lại một năm hoạt động khá sôi động của nghệ thuật cải lương.


Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt đồng thời hai vở là “Vua Thánh triều Lê” (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai), “Chuyện tình Khâu Vai” (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên). Nhà hát Cải lương Hà Nội, sau khi hoàn tất vở “Nợ non sông” (tác giả Phạm Quang Long, đạo diễn Thanh Vân) lại tiếp tục cho ra mắt “Đứng giữa trời xanh” (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Quang Hùng), “Thất trảm sớ” (tác giả Phi Hùng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang)… Có thể thấy âm hưởng chủ đạo của những vở cải lương nói trên (trừ “Chuyện tình Khâu Vai”) là tìm về lịch sử dân tộc, các nhân vật lịch sử, cố gắng lấp đầy khoảng trống quá khứ và đặc biệt là tìm kiếm “ánh xạ” cần thiết của quá khứ cho bối cảnh đương đại.

Cảnh vở Vua Thánh triều Lê. Ảnh: Đức Triết



Có thể kể tới bài học về tư tưởng văn hiến ở một văn nhân bậc nhất của lịch sử nước nhà trong “Vua Thánh triều Lê”. Là sự khẳng định giá trị cao nhất, đứng trên những được mất cá nhân phải là lòng yêu nước (Nợ non sông). Rồi nỗi đau khi cái ác lên ngôi, gây ra oan án khó giải minh trong “Đứng giữa trời xanh”. Hay bài học về sự dũng cảm, chí khí ngất trời của một bậc kẻ sĩ từng được tôn là “vạn thế sư biểu” trong “Thất trảm sớ”…

Nhưng, điều đáng kể là tinh thần đó, tư tưởng đó đã được chuyển tải sống động qua nghệ thuật cải lương, với một đội ngũ đạo diễn mới đang vào độ chín. Các nghệ sĩ đã làm đầy sàn diễn còn nghèo về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị bằng sự sáng tạo trong việc xử lý diễn xuất, trang trí, ánh sáng, tiếng động. Nhân vật của vở diễn là những mệnh quan triều đình phong kiến, thậm chí là những người tột đỉnh quyền lực nhưng cũng là con người với thói ganh ghét đố kỵ, lòng thù hận… và đằng sau đó là cuộc đấu tranh khốc liệt với hoàn cảnh, với những người xung quanh, đặc biệt là với chính bản thân để tìm lại sự thật, sự công bằng, giải oan cho những nỗi đau thấu trời xanh.

Đề tài lịch sử luôn đem tới luồng sinh khí mạnh mẽ, làm thay đổi hình ảnh nghệ thuật cải lương vốn bị “định danh” từ thuở khai sinh là đậm chất “mê lô”, bi lụy. Các nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả những bữa tiệc nghệ thuật xứng đáng với niềm đam mê của họ. Bởi thế mà giữa những ngày cuối năm giá rét, tình yêu của khán giả Hà Nội với cải lương vẫn nồng nhiệt, thể hiện qua những đêm diễn không còn ghế trống.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn mong mỏi sân khấu có sự chuyển động nhiều hơn. Dễ thấy, trong số kịch bản kể trên vẫn có những cái tên từng được dàn dựng trên sàn diễn của các loại hình nghệ thuật khác. Điều đó cho thấy sự thiếu kịch bản vẫn là căn bệnh khó chữa đối với tất cả loại hình sân khấu, nhất là kịch bản được viết riêng cho từng loại hình. Khâu chuyển thể, xét về mặt ca từ thì ở một số trường hợp đã gây khó khăn cho diễn viên. Bên cạnh đó, đáng bàn vẫn là chất lượng nghệ sĩ. Thanh sắc của các đào kép đã có phần “xuống”, diễn viên trẻ thì tài nghệ còn non. Nó cho thấy vấn đề về chuyển giao thế hệ mà đằng sau đó là tương lai, là bộ mặt của cải lương là rất quan trọng.

Mặc dù vậy, sự sôi động cuối năm, vẫn là một tín hiệu đáng mừng cho cải lương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu đáng mừng cho cải lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.