Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng học sinh, sinh viên: Chung tay san sẻ nỗi lo

Quỳnh Phạm| 30/10/2012 10:43

(HNM) - Đầu năm học mới là thời điểm học sinh, sinh viên (HSSV), nhất là con em các hộ nghèo đối mặt với nỗi lo tài chính khi các trường tiến hành thu học phí và các khoản đóng góp khác. Sau 5 năm triển khai, chính sách tín dụng HS SV đã san sẻ được phần nào khó khăn này.

Với mục tiêu không để HS SV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, mới đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường sớm cấp giấy chứng nhận cho HSSV để làm thủ tục vay vốn. Những HSSV nào chắc chắn được lên lớp, tiếp tục học, trường phải cấp giấy chứng nhận sớm để làm thủ tục vay vốn. Bộ cũng đã triển khai cùng Bộ LĐ-TB&XH xây dựng website để cung cấp thông tin về việc cho HS SV vay vốn.


Làm thủ tục cho HSSV vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng.  Ảnh: TTXVN


Được đánh giá là một chính sách thiết thực, nhanh chóng vào cuộc sống, chương trình tín dụng HSSV sau 5 năm triển khai đã san sẻ khó khăn tài chính cho 2,8 triệu lượt hộ nghèo với khoảng 2,3 triệu sinh viên được thụ hưởng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người học, trong khi nhà trường vẫn thực hiện tiến độ thu học phí bình thường thì HSSV ở thời điểm này vẫn chưa nhận được vốn vay ưu đãi. Nhiều gia đình nghèo phải "vay nóng" để có tiền cho con nhập học. Đề cập tới tình trạng này, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết: "Vào đầu năm học mới, các em thường chậm nhận được khoản tiền vay. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường có chính sách giãn thu cho các em thuộc diện cho vay theo Quyết định 157. Nếu bị nhà trường thúc ép, các em hãy phản ánh với Bộ GD-ĐT".

Được hoãn trả nợ?

Trước thông tin thời gian qua có hơn 1.000 HSSV phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra thông tin này, kết quả cho thấy số hơn 1.000 HSSV này nằm rải rác ở các trường, bỏ học do nhiều lý do khác nhau, có thể là có công việc cần làm hoặc do điều kiện bố mẹ ốm, phải nghỉ để chăm sóc… đồng thời khẳng định: "Còn HSSV theo diện vay vốn phải nghỉ học vì thiếu tiền học thì không có. Nếu các em nghỉ học vì lý do khác thì Bộ GD-ĐT không can thiệp, nhưng bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ốm đau đột xuất thì chúng tôi yêu cầu nhà trường báo cáo. Nếu trường và địa phương xác nhận các trường hợp khó khăn đột xuất, đề nghị cho vay vốn thì các em vẫn được xét".

Sau 5 năm triển khai chương trình, các thủ tục cho vay đã dần được hoàn thiện, hầu như HSSV và gia đình không còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, nhiều em cho biết mẫu giấy xác nhận không thống nhất giữa nhà trường và địa phương, còn gây phiền hà, rất vất vả khi phải đi lại để xác nhận. Vấn đề này là do mẫu đã được thay đổi song nhiều trường chưa kịp cập nhật. Bộ GD-ĐT đã đề nghị kéo dài thời hạn sử dụng mẫu cũ đến tháng 6-2013, nên hiện tại cả mẫu mới và mẫu cũ đều có giá trị như nhau.

Ngoài ra, định mức tín dụng 1 triệu đồng/tháng/HSSV hiện nay được cho là không phù hợp với tình hình thực tế, bởi chi phí ăn ở, dịch vụ điện, nước... đều đã tăng đáng kể so với thời điểm định mức trên bắt đầu được áp dụng. Trước đề xuất của các địa phương muốn nâng định mức lên 1,5 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận: Kể cả với mức 1,5 triệu đồng đối với 1 SV học ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì cũng vẫn là thấp. Tuy nhiên, chỉ với 1 triệu đồng/người vay thì con số đã là nhiều chục tỷ đồng cho cả chương trình. Nếu định mức là 1,5 triệu đồng thì cần khoảng 55.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn, chúng tôi chưa thể cân đối nguồn vốn để bảo đảm cho nhu cầu này.

Bên cạnh mức vay, khả năng thu hồi vốn cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhiều sinh viên băn khoăn, sau khi tốt nghiệp, nếu quá 12 tháng vẫn không tìm được việc làm thì có được hoãn thời gian trả nợ hay không? Ông Lò Văn Đức, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, những gia đình thực sự khó khăn thì có thể làm thủ tục gia hạn trả nợ theo quy định. Những người làm chính sách đã nghiên cứu trình Chính phủ xem xét cho gia hạn thêm đối với những trường hợp ra trường lâu mà chưa xin được việc làm.

Về phía nhà đào tạo, Thứ trưởng Trần Quang Quý chia sẻ: Các em HS SV đã tốt nghiệp, ra trường, chưa có công ăn việc làm thì cố gắng tìm hiểu, chọn ngành phù hợp, không nên chọn ngành cơ cấu đang thừa nhân lực như tài chính, ngân hàng. Các bậc phụ huynh nên tùy theo trình độ học vấn của con em mình, định hướng chọn trường nghề để các em tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định và có điều kiện học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.

Rõ ràng là chính sách tín dụng đã mang lại lợi ích cho HSSV trong 5 năm qua. Tuy thế, muốn chính sách đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả rõ ràng hơn thì cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng học sinh, sinh viên: Chung tay san sẻ nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.