Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng có “chảy” vào lĩnh vực rủi ro?

Hà Linh| 31/10/2017 07:05

(HNM) - Nhiều người tỏ ra lo ngại khi cho rằng, tín dụng tăng chủ yếu


Các ngân hàng đã và đang tập trung cho vay lĩnh vực thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa, tiêu dùng. Ảnh: Hải Anh


Tín dụng tăng cao

Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm, tăng đều qua các tháng và cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước (năm 2016 tăng 10,46%, năm 2015 tăng 10,78%). Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống. Riêng đối với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tăng cao, trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng hơn 17%, chiếm 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Những lĩnh vực còn lại như xuất khẩu tăng 8,14%, ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12%, công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 18,9%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,49%. Với những con số này, chỉ tiêu mới theo định hướng của Chính phủ là tăng trưởng tín dụng đạt 21-22% hoàn toàn có thể, bởi những tháng cuối năm, tín dụng dự báo sẽ tăng đột biến do nhu cầu vay vốn ngày càng cao.

Như vậy, tín dụng tăng trưởng cao, nhưng dòng chảy đang đúng hướng, vì nguồn vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của tổ chức tín dụng được bảo đảm dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp.

Ngân hàng “chạy đua” tăng trưởng tín dụng

Các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về "cái đích" 21-22% cho tăng trưởng tín dụng là quá cao, vì nếu muốn đạt chỉ tiêu này, trong 3 tháng cuối năm, các ngân hàng sẽ phải "chạy đua" cho mức gần 10% tăng trưởng tín dụng. Vậy, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ theo hướng nào, liệu tình trạng tăng "nóng" có diễn ra, tín dụng có "chảy" vào lĩnh vực rủi ro?

Theo chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tăng tưởng tín dụng 21% cho cả năm 2017 có thể đạt được, nhưng tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng kinh tế quý III khá cao, nên mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 không còn xa. Nếu mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt được, những kế hoạch ngắn hạn mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua có thể cần xem xét lại, trong đó có chính sách đẩy tín dụng lên 21-22%.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 18% là mức cao, bởi nếu tăng trưởng kinh tế 6,7%, tín dụng sẽ phải tăng trưởng gấp 2,5 lần, tức là hơn 16%. Nếu điều chỉnh nâng mức tăng trưởng tín dụng lên 21-22%, tức là trong 3 tháng cuối năm phải tăng khoảng 10% mới có thể đạt chỉ tiêu. Tính trên tổng dư nợ của nền kinh tế là khoảng 6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 10% là phải đẩy vào lưu thông 600.000 tỷ đồng, nghĩa là mỗi tháng 200.000 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ lo ngại nguồn tín dụng có thể sẽ đổ vào hai lĩnh vực có độ rủi ro cao là chứng khoán và bất động sản. Tín dụng cần phải đúng địa chỉ là sản xuất, kinh doanh mới phát huy tác dụng. Đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra, mức tăng trưởng quý III vẫn còn khoảng cách khá xa (gần 10 điểm phần trăm). Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho quý IV trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Về cuối năm, lạm phát có xu hướng gia tăng. Áp lực tăng lạm phát đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản (giáo dục, y tế, điện, xăng dầu), chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7-2017, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm.

Có cái nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu cho biết, ACB sẽ ưu tiên dòng tiền cho các lĩnh vực phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp, cho vay thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao... Các lĩnh vực không thuộc diện ưu tiên, ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng tín dụng.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cũng khẳng định, tín dụng đang tăng rất tốt và bảo đảm sẽ "chảy" đúng những lĩnh vực trọng điểm ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng “nới van" tín dụng trong khả năng cho phép để vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa kiểm soát rủi ro. Riêng với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng sẽ kiểm soát chặt, chỉ duyệt cho vay những dự án tốt và có giá bán phù hợp, không cho vay để đầu cơ.

Nhiều ngân hàng khác cũng khẳng định, thay vì tập trung vào bất động sản, ngân hàng sẽ tập trung cho vay lĩnh vực thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay để mua nhà ở trả nợ từ lương, hoặc kinh doanh...; khó có thể tạo sự đột phá trong những tháng cuối năm, bởi giá nhà đất trên thị trường hiện đã ở mức cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng có “chảy” vào lĩnh vực rủi ro?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.