Mặt trăng được hình thành như thế nào là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đi tìm đáp án suốt hàng thế kỷ nay.
Theo thuyết “Va chạm lớn”, hành tinh kích thước bằng Hỏa tinh tên gọi Theia va chạm vào Trái đất hàng tỷ năm về trước đã tạo nên Mặt trăng. Dù giả thiết được đông đảo giới khoa học đón nhận, thực tế chưa ai tìm được nguồn gốc Theia hay quá trình nó va chạm vào Trái đất. Nhưng một bằng chứng mới vừa xuất hiện đã soi sáng hơn lý thuyết trên.
Theo tờ Geoscience hôm 10-3, các nhà nghiên cứu từ Đại học New Mexico đã tìm được mảnh vỡ của Theia trên Mặt trăng. Nhóm nghiên cứu ở Đại học New Mexico đã kiểm tra mẫu đồng vị trong các loại đá Mặt trăng thu thập ở những độ sâu khác nhau. Khi so sánh với những mẫu đá trên Trái đất, họ phát hiện đá ở càng sâu trong lòng đất, đồng vị oxy càng nặng.
“Rõ ràng thành phần đồng vị oxy đặc trưng của Theia không bị mất đi hoàn toàn thông qua quá trình đồng nhất hóa trong vụ va chạm lớn. Dữ liệu thu thập được cho thấy lớp phủ Mặt trăng đã trải một chút pha trộn nhưng vẫn còn vết tích khá rõ ràng do tác động từ Theia”, nhà khoa học kiêm đồng tác giả Zach Sharp cho biết.
Theo tờ Science Alert, các đồng vị oxy trong đá Mặt trăng gần giống với mẫu tìm thấy trên Trái đất, nhưng lại rất khác so với mẫu tìm thấy trên các vật thể trong hệ Mặt trời. Do đó, Theia được cho có nguồn gốc từ bên ngoài hệ Mặt trời.
Từ những năm 1980, thuyết “Va chạm lớn” được phần lớn học giả chấp nhận cho lý giải về nguồn gốc Mặt trăng. Nội dung thuyết này cho rằng Mặt trăng chính là kết quả của một vụ va chạm giữa Trái đất và hành tinh Theia cách đây 4,5 tỷ năm. Sau vụ va chạm, các mảnh vỡ từ Theia và Trái đất đã văng ra ngoài không gian và hợp nhất lại tạo thành Mặt trăng, đồng thời tạo nên trận đại hồng thủy dữ dội trên Trái đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.