(HNM) - Ngoại thành Hà Nội vẫn còn nhiều ngôi làng cổ hoặc ít nhiều mang dấu ấn xưa cũ, để cho mỗi chuyến trở về làng ta lại tìm thấy ở đó sự êm ái, bình dị, để ta có dịp soi mình vào gương mặt làng.
Tôi khá ấn tượng với bộ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh (sản xuất năm 1995), quay ở hai làng Thụy Hương và Hương Gia thuộc xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trên phim, vẻ đẹp của hai ngôi làng hiện lên vô cùng dung dị, mộc mạc. Nhiều phim sau này là Tết độc lập, Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Vui buồn sau lũy tre làng... cũng lấy bối cảnh ở hai ngôi làng thơ mộng bên sông Cà Lồ này.
Nhiều người dân làng Thụy Hương từng đóng vai diễn viên quần chúng trong những bộ phim nói trên đã bày tỏ sự tiếc nuối: Làng quê ngày đó bình dị với nhiều cổ thụ, nhà cổ, ngõ lát gạch nghiêng, có không gian bến nước, lũy tre, cánh đồng rất hợp để làm phim, có cả những luống hoa được trồng, chăm sóc kỹ lưỡng để đón Tết. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Gương mặt của làng đã thay đổi, không gian chật chội, đông đúc người sinh sống. Từ năm 2007, không đoàn làm phim nào về đây quay nữa...
Bà Nguyễn Thị Gái ở xóm 1 bảo, từng có thời gian bị “sốc” vì... nhớ không khí làm phim. Ngày đó mỗi khi có đoàn làm phim đến cả xóm cả làng đều nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để có được những thước phim giá trị. Cái cảnh tượng đó giờ đã trở thành ký ức da diết trong nhiều người Thụy Hương.
Hai ngôi làng cũng từng được mệnh danh “làng Hollywood” là Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) và Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) giờ cũng thay đổi. Làng Cự Đà có khá nhiều nhà cổ bị phá dỡ để xây nhà cao tầng. Mặc dù vẫn còn một số nhà cổ nhưng cánh đạo diễn cũng rất khó chọn được bối cảnh ưng ý để “lia” máy mà không bị vướng cột điện, dây điện hay mái tôn. Làng Tây Mỗ hiện chỉ có gia đình bà Hoàng Thị Yên còn giữ được khá trọn vẹn một ngôi nhà cổ. Bà Yên quyết giữ không gian này để phục vụ các đoàn làm phim. Hằng năm vẫn có một vài đoàn làm phim đến quay tại nhà bà, nhất là các phim hài chiếu dịp xuân. Đặc biệt là nếp sống “tam đại đồng đường” vẫn được gìn giữ.
Bà Yên bảo, trong gia đình bà có cái chất làng xã nên vẫn giữ nền nếp cổ xưa. Cả ba người con của bà đều đã có gia đình, dù làm việc nhà nước hay làm ngoài, thậm chí có chức có tước nhưng các “tiểu gia đình” vẫn sống chung, ăn chung cùng với mẹ - bà của họ. “Ở Tây Mỗ nếp làng vẫn rất rõ dù xã đã lên phường. Thực tình, tôi thấy các nhà làm phim nói đúng. Người dân là những người gìn giữ cái hồn của làng và cùng với cảnh sắc mà tạo nên gương mặt, thương hiệu của làng” - bà Yên bảo vậy.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - người đã được bà Yên giúp đỡ rất nhiều trong công việc làm phim - chia sẻ rằng, con người thay đổi là tất yếu, quá trình đô thị hóa cũng là tất yếu, nhưng ông nể phục những người như bà Yên, bao năm qua vẫn giữ nếp sống giản dị, luôn răn dạy con cháu giữ nếp nhà và không gian cổ kính.
Cầu vòm nối hai ngôi nhà ở làng Cựu. |
Đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ tìm về những mái ngói rêu phong, những con ngõ mộc mạc in dấu ấn thời gian để chụp ảnh và lưu giữ vẻ đẹp cổ kính, bình dị của làng quê chưa bị đô thị hóa. Một trong những địa điểm thường được tìm đến là làng Cựu, thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), một làng cổ ngoại thành nhưng lại có lối kiến trúc Pháp rất độc đáo. Bạn Lương Thị Thảo, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn không giấu được cảm xúc: “Chúng em rất ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cổ. Chúng em đã đi thăm nhiều làng cổ, nhưng không khí ở làng Cựu thật tuyệt, nhất là vào mùa xuân.
Ở phố dường như ai cũng sống nhanh, hối hả, trong khi người dân ở đây lại sống chậm!”. Những chuyến tham quan, chụp ảnh tại các ngôi làng cổ được họ vui miệng gọi là “phượt làng”. Mỗi người đều cảm nhận, trải nghiệm vẻ đẹp làng quê theo cách của mình.
Bạn Phan Quang Lộc chia sẻ: “Nhóm của em đã đến nhiều làng cổ trong cả nước. Ở Hà Nội cũng đã “phượt” ở Đường Lâm, Cự Đà, Cổ Đô, Tây Mỗ, Hương Ngải... những nơi đó phong cảnh đồng quê thật đẹp với những ngôi nhà cổ kính, những cây đa, cây gạo ngạo nghễ in bóng lên trời xanh. Chúng em không chỉ chụp được những bức ảnh làm kỷ niệm mà còn tìm hiểu được nếp làng ở đó. Ví dụ như chỉ một bát nước vối cũng cho chúng em bài học sâu sắc về văn hóa ứng xử của làng xã”.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng có nhiều nhóm bạn trẻ cứ dịp cuối tuần là lại rủ nhau tìm về các làng cổ quanh Hà Nội. Đi hết, họ lại tìm đến những ngôi làng xa hơn, ở các tỉnh lân cận. Có nhóm lập group trên facebook để mỗi khi có điều kiện lại nhắn nhủ nhau lên đường.
Nhiều bậc trung niên cũng thích khám phá làng cổ, đi tìm gương mặt của làng như muốn tìm lại quá khứ, những nền nếp xưa dẫu đã ít nhiều nhạt phai. Như một kiến trúc sư chia sẻ rằng “về làng sẽ học được rất nhiều điều”, làng cổ có một giá trị đặc biệt trong cuộc sống đương đại. Mỗi khi chìm đắm trong không gian văn hóa của làng, ta lại tìm thấy ở đó những điều đẹp đẽ về tình người và học được cách sống nhân nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.