Du lịch

“Đánh thức” tiềm năng du lịch làng cổ Hà Nội

Đức Phúc 16/09/2024 - 12:43

Hà Nội hiện có nhiều làng cổ được khắp xa gần biết tới bởi những nét kiến trúc độc đáo, truyền thống lịch sử và bề dày văn hóa, như làng cổ Đường Lâm, Cự Đà, Bát Tràng...

Lưu giữ sắc thái riêng, những ngôi làng cổ này có nhiều tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, tuy nhiên, hiện tại, những tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác tốt.

lang-co.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu về văn hóa xứ Đoài, không gian làng cổ Đường Lâm và giá trị của văn hóa dân gian truyền thống tới các em nhỏ.

Nét xưa còn đó

Tôi tự thấy mình có duyên với các làng cổ, nơi ẩn chứa trầm tích văn hóa. Sự tồn tại của những ngôi làng cổ là một minh chứng thuyết phục về sự trường tồn của văn hóa làng xã Việt, nơi mà sự xô bồ mưu sinh, trào lưu đô thị hóa không che lấp được nét cổ kính cùng mối quan hệ làng xã bền chặt tồn tại qua bao đời. Qua thời gian, mỗi ngôi làng dường như vẫn giữ được nét riêng. Chẳng hạn, ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), cho đến thời điểm này vẫn toát lên vẻ chất phác đặc trưng của một làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Những căn nhà nơi đây đa phần vẫn theo kiến trúc “ba gian hai chái”. Nhà thường gồm ngôi nhà chính ở giữa và nhà ngang hai bên. Nhà chính có 4 cột ở giữa và các cột phụ, chia ngôi nhà thành 3 gian. Phần hiên nhìn ra vườn thường mở nhiều cửa. Giữa nhà chính là ban thờ, hai bên là khu sinh hoạt. Bố mẹ hoặc các bậc cao niên sẽ ở nhà chính, con cái ở nhà ngang.

Không giống Đường Lâm, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) và làng Cựu thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) mang dấu ấn của làng quê Bắc Bộ pha trộn kiến trúc kiểu Pháp cổ kính. Tôi nhớ mãi lời của họa sĩ Lê Thiết Cương khi nhận xét về làng cổ Cự Đà. Trong con mắt của họa sĩ, Cự Đà là một mẫu hình đẹp, pha trộn hài hòa nét đẹp của kiến trúc Pháp - châu Âu với kiến trúc Việt Nam - Á Đông. Chính sự pha trộn này tạo nên những ngôi nhà kiểu Đông Dương nằm cạnh những ngôi nhà Bắc Bộ truyền thống mà vẫn hòa hợp, vẫn duyên, vẫn đẹp.

Ông Vũ Văn Bằng, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Cự Khê, “pho sử sống” của Cự Đà nhấn mạnh, nơi đây là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Hầu hết nhà đều lợp mái ngói âm dương, sân lát gạch vuông Bát Tràng, chuối sau cau trước, chum tương bể nước... Trong nhà có hoành phi, cửa võng, câu đối khắc ghi lời hay ý đẹp như một sự nhắc nhở, truyền dạy của ông bà tổ tiên với con cháu.

Ngoài Cự Đà và Đường Lâm, quanh Hà Nội còn có các làng cổ khác như Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm), Cổ Loa (Đông Anh), làng Cựu (Phú Xuyên), Yên Trường (Chương Mỹ)..., mỗi nơi mỗi vẻ song đều có điểm chung là khi đặt chân đến, ai nấy đều có thể tìm được cho riêng mình góc lắng đọng yên bình.

Trong chuyến dạo quanh các làng cổ cùng tôi, nhà văn Nguyễn Văn Học (công tác tại Báo Nhân Dân) chia sẻ, giá trị của làng cổ nhận được sự công nhận chính thống cấp Nhà nước, như làng cổ Đường Lâm, nhận được sự quan tâm tìm hướng bảo tồn từ chính quyền địa phương, như Bát Tràng, làng Cựu... Giá trị đó còn nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã có bài viết bày tỏ tình cảm của mình với vẻ đẹp của những ngôi làng cổ. Có người bàn nhiều về lối ứng xử đẹp và gần gũi của bà con nơi đây... Dù cách thức thể hiện khác nhau nhưng tất cả khẳng định một điều: Muốn tìm chất mộc mạc, thân tình và gần gũi thì không nên bỏ qua những chuyến về làng cổ. Nơi ấy vẫn đang lưu giữ một phần quá khứ thấm đẫm giá trị nhân văn, những trầm tích văn hóa đáng tự hào của dân tộc.

Ngổn ngang giữa bảo tồn và phát triển

Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, làng cổ dường như cũng thu mình trong dòng chảy ồn ã. Dù cố gắng gìn giữ nhưng vẻ đẹp đã tồn tại cả trăm năm vẫn trở nên mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Có nhiều nét đẹp mất đi trong sự tiếc nuối. Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) là ví dụ. Nhịp đô thị hóa trong vùng quá mạnh mẽ khiến nghề thủ công truyền thống cùng văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của ngôi làng Việt cổ này gần như không còn. Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã dần nhường chỗ cho những tòa nhà văn phòng khang trang, nghề dệt thao (dải lụa làm quai cho nón quai thao - PV) có từ thế kỷ XVI cũng không còn. Trong nhịp sống vội vã, thứ đáng chú ý mà người vùng Đơ Thao xưa cũ còn giữ được chỉ là điệu múa bồng trứ danh.

Dịp chúng tôi đến thăm làng Cựu, ông Trần Quang Trung, Trưởng thôn bày tỏ sự nuối tiếc khi làng hiện chỉ còn khoảng 30 ngôi nhà cổ. Nếu có đơn vị lữ hành hoặc doanh nghiệp du lịch nào đó biết cách khai thác, thu hút khách đến tham quan thì tin chắc những nét đẹp xưa cũ sẽ có điều kiện bảo tồn tốt hơn.

Quanh câu chuyện gìn giữ lối kiến trúc xưa cũ, rất nhiều người ở những ngôi làng cổ Hà thành tâm sự thẳng thắn rằng, họ cũng muốn giữ nếp nhà cha ông để lại nhưng “cái khó bó cái khôn”. Bởi lẽ, đất không sinh nở được mà người thì ngày một đông thêm. Một nếp nhà cổ bị mất đi sẽ đủ chỗ cho ít nhất một ngôi nhà cao tầng rộng rãi mọc lên, đủ để chia cho nhiều hộ làm chỗ trú ngụ cho nhiều người. Bản thân người có những nếp nhà cổ cũng tiếc nhưng đành cắn răng chấp nhận trước nhu cầu cải thiện điều kiện sống.

Trở lại với câu chuyện gìn giữ những giá trị, nét đẹp từ làng cổ, bên cạnh những tiếc nuối, thực tế đã có nhiều người, nhiều mô hình sáng tạo đã và đang giúp “kéo” khách du lịch tìm về làng cổ. Chẳng hạn, ở huyện Thường Tín có chàng trai Trương Văn Bộ (sinh năm 1998) đã khéo léo “thu nhỏ” hàng trăm ngôi nhà cổ, đình, chùa thành tiểu cảnh. Đến nay, Bộ đã nhận và hoàn thành hàng trăm sản phẩm tiểu cảnh và được khắp trong Nam ngoài Bắc ưa thích. Khách hàng tìm đến Trương Văn Bộ đều là những người yêu mến giá trị truyền thống, kiến trúc xưa. Họ trưng bày tiểu cảnh ngay trong sân nhà để hằng ngày nhớ về miền ký ức tuổi thơ gắn với những ngôi nhà cổ.

Tương tự, tại làng cổ Đường Lâm, họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983) mỗi tuần, mỗi tháng đều mở khóa dạy học, đào tạo học viên điêu khắc sơn mài miễn phí. Người học đủ các độ tuổi, đông hơn cả là trẻ em; có cả khách du lịch nữa. Nguyễn Tấn Phát là họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm độc bản mang hơi thở sơn mài truyền thống. Các em nhỏ, học sinh, du khách đến làng cổ Đường Lâm khi ghé thăm cơ sở của người họa sĩ tài năng này dường như đều được tiếp thêm tình yêu với mỹ thuật truyền thống.

Dịp trò chuyện với Nguyễn Tấn Phát, anh quả quyết với tôi rằng các bạn trẻ đều có tình yêu lớn dành cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhưng chưa có nhiều cơ hội để tình yêu đó được khơi lên. Bởi thế, nếu có các hoạt động trực quan để tìm hiểu, chắc chắn các em sẽ biết và yêu hơn tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt.

Chứng kiến những người đang âm thầm mang đến giá trị cho làng cổ như Trương Văn Bộ, Nguyễn Tấn Phát..., tôi thầm nghĩ, dù cách thức thể hiện tình yêu làng cổ của họ khác nhau nhưng những nghệ nhân ấy đều đang góp phần tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn cho làng cổ, giúp mảnh đất quê hương có thêm sức hút với du khách...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đánh thức” tiềm năng du lịch làng cổ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.