Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

Hương Thủy| 21/12/2021 19:00

(HNMO) - Chiều 21-12, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Quang cảnh họp báo.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, tính đến ngày 21-12, tổng lượng xe hàng hóa xuất đi Trung Quốc ùn ứ tại tuyến biên giới phía Bắc là gần 6.200 xe.

Trong đó, tại tỉnh Lạng Sơn, lượng xe hàng ùn tắc ở cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe, giảm 137 xe so với cuối ngày 20-12. Hàng hóa chủ yếu là nông sản, linh kiện điện tử… Trong khi đó, đến ngày 16-12, tại phía Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn 2.400 xe chưa thông quan.

Các khu vực bến bãi tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Quảng Ninh, cũng tính đến thời điểm trên, hiện tượng ách tắc phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn xảy ra, mặc dù chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã nỗ lực giải quyết. Tại khu vực cầu Bắc Luân II còn 346 xe chở hàng chờ xuất khẩu; lượng xe tồn tại lối mở cầu phao Km3+4 là 1.188 xe. Hàng hóa chủ yếu là hàng thủy, hải sản đông lạnh, nông sản...

Với các địa phương khác như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, cơ bản lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới không cao. Mặc dù có việc tăng cường kiểm soát của dịch Covid-19 từ phía Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc thông quan hàng hóa.

Theo ông Âu Anh Tuấn, nguyên nhân của tình trạng ùn tắc trên là phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa bình thường... Chính quyền thành phố Đông Hưng mới có thông báo tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21-12-2021.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn về hàng hóa khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vì vậy, lượng hàng nông sản, thực phẩm đổ dồn về các cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng cũng như ngành Hải quan đã tạo thuận lợi tối đa để thông quan hàng hóa nhưng tình hình trên không được cải thiện nhiều.

Trong bối cảnh trên, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn hai nước đẩy mạnh phòng dịch Covid-19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản như thời gian vừa qua...

Tại họp báo, ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh và ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trước tình hình trên, các đơn vị đều đã tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ.

Đặc biệt, theo ông Vy Công Tường, những ngày qua, cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh tạm dừng thông quan trong khi tại cửa khẩu Hữu Nghị lượng xe thông quan giảm mạnh, chỉ còn khoảng 100 xe/ngày. Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc xét nghiệm cho toàn bộ công chức, viên chức làm việc tại cửa khẩu và lái xe chuyên trách. Ông Tường hy vọng, với việc đẩy mạnh phòng dịch, việc thông quan sớm trở lại bình thường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.