Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiểu ban Kinh tế-Xã hội làm việc với 4 địa phương phía Bắc

Theo Hải Minh/Chính phủ| 06/05/2019 20:11

Chiều ngày 6-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang.

Ảnh: VGP/Hải Minh


Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ; lãnh đạo và đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các thành viên trong Tiểu ban.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương báo cáo về những nét nổi bật, kinh nghiệm, mô hình hay trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình trong 10 năm qua, đồng thời làm rõ những nút thắt, điểm nghẽn và các tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu ý kiến đề xuất, góp ý để tạo cơ chế thuận lợi và bứt phá cho từng địa phương tăng trưởng cao hơn, nhanh hơn; gắn phát triển của các địa phương với liên kết vùng để tạo không gian phát triển rộng lớn và hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả làm việc sẽ góp phần là cơ sở quan trọng để Tiểu ban xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) trình Trung ương xem xét, quyết định.

Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9% giai đoạn 2011-2018, cao hơn so với bình quân chung của cả nước, trong đó, năm 2015 đạt mức tăng trưởng cao nhất với 32,2%. Dự kiến thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 90 triệu đồng/năm vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.

Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 92,1% năm 2010, tăng lên 99% năm 2018 trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị xuất khẩu đứng thứ 4/63 tỉnh, thành.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,77% giai đoạn 2011-2020, trong đó kinh tế cửa khẩu từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tại Bắc Kạn, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,6% giai đoạn 2011-2020. GRDP bình quân đầu người khoảng 39 triệu đồng, bằng 80% so với bình quân vùng trung du miền núi phía Bắc và bằng 55% bình quân đầu người của cả nước.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tuyên Quang, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 7,9%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD.

Tuy nhiên, có điểm chung của 4 tỉnh là mặc dù cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng giảm nhưng có thực tế lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao chứng tỏ hiệu quả lao động còn thấp.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường bộ của cả 4 địa phương còn hạn chế, không có sân bay nên chưa phát huy được hiệu quả của các tuyến hướng tâm, trong khi giao thông phải đi trước một bước.

Về kiến nghị, lãnh đạo 4 địa phương cho rằng, với tiềm năng du lịch “trời phú”, khu vực miền núi phía Bắc cần có chiến lược đầu tư phát triển mạnh mẽ du lịch gắn với phát triển các sản phẩm thế mạnh, kết nối hạ tầng; phát huy vai trò thành phố động lực nhằm nhiều mục tiêu, trong đó có việc giảm áp lực cho các khu vực đô thị lớn khác; phát huy lợi thế lâm nghiệp công nghệ cao; tích cực chủ động trong quan hệ đối ngoại…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, các báo cáo của 4 tỉnh tại buổi làm việc được chuẩn bị tốt, bám sát yêu cầu nội dung của đoàn công tác.

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao cả 4 tỉnh đều có mức tăng trưởng khá cao, trên 6% trong nhiều năm, chất lượng tăng trưởng ngày càng tăng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên… theo hướng tích cực, đúng mục tiêu của chiến lược phát triển 10 năm qua.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, các địa phương tiếp tục đi sâu thảo luận, đánh giá, đóng góp ý kiến, giải pháp đột phá với Trung ương về nhiều vấn đề lớn đặt ra, như xây dựng thể chế; thực hiện ba đột phá chiến lược, khơi dậy khát vọng phát triển; tái cơ cấu kinh tế; huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng; thúc đẩy liên kết vùng, trong đó có phát triển du lịch; xây dựng nông thôn mới; phát triển bền vững…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiểu ban Kinh tế-Xã hội làm việc với 4 địa phương phía Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.