Mọi thông tin liên quan tới người được nhận giải Nobel sẽ chỉ được Viện hàn lâm Thụy Điển tiết lộ sau 50 năm. Giờ đây, sự thật về nhà văn duy nhất từng từ chối giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh đã được công bố.
Một lá thư được gửi tới Ủy ban Nobel Thụy Điển hồi năm 1964, do chính nhà văn, nhà triết học nổi tiếng người Pháp Jean-Paul Sartre viết, mới đây đã được công bố, trong thư, ông khẳng định rằng mình sẽ từ chối nhận giải Nobel Văn học nếu giải được trao cho ông.
Lá thư này đã đến quá muộn để có thể thay đổi một sự việc hy hữu trong lịch sử trao giải Nobel Văn học. Tin này vừa được truyền thông Thụy Điển chính thức đăng tải.
Nhà văn Jean-Paul Sartre (1905-1980) |
Lúc lá thư của nhà văn Sartre tới nơi, tên người thắng giải Nobel Văn học năm 1964 đã được ủy ban xét giải đưa ra từ cách đó gần một tháng. Lá thư này chỉ được công bố trước công chúng sau 50 năm diễn ra lễ trao giải, theo đúng quy định của giải Nobel.
Lá thư đã giúp hậu thế hiểu rõ lý do tại sao Sartre quyết định từ chối nhận giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Cho tới nay, ông là nhà văn duy nhất từ chối nhận giải Nobel Văn học.
Sartre sau này đã giải thích đơn giản rằng ông “luôn từ chối mọi sự tôn vinh”, thực tế, ông cũng đã từng từ chối nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Nhà nước Pháp trao tặng hồi năm 1945. Nguyên nhân sâu xa là bởi Sartre luôn sợ rằng những danh xưng, những sự tôn vinh sẽ làm hạn chế tư duy độc lập và khiến ông trở nên gò bó trong những sáng tác và nghiên cứu của mình.
Giờ đây, lá thư của Sartre đã được công bố để đông đảo công chúng được biết sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải Nobel. Trong thư, Sartre đã đề nghị ủy ban xét giải đưa ông ra ngoài danh sách những nhà văn được cân nhắc nhận giải.
Trong suốt nhiều năm, nhà văn Sartre đã được công chúng và những người trong giới văn chương coi như một ứng viên tiềm năng của giải Nobel Văn học. Vì vậy, ông đã gửi thư tới Quỹ Nobel vào ngày 14/10/1964, để nói rằng ông sẽ không nhận giải “dù là năm 1964 hay là trong tương lai”.
Tuy vậy, Ủy ban xét giải Nobel Văn học đã thống nhất lựa chọn Sartre là người nhận giải từ ngày 17/9 trước đó. Vì vậy, khi Viện hàn lâm Thụy Điển họp mặt vào ngày 22/10/1964, 18 thành viên hội đồng đã thống nhất sẽ vẫn trao giải cho nhà văn Sartre. Đúng theo những gì đã được đề cập trong thư, Sartre không thay đổi quyết định và đã từ chối nhận giải.
Nếu lá thư của nhà văn Sartre đến trước khi hội đồng họp mặt hồi giữa tháng 9/1964, có thể giải đã được trao cho một nhà văn khác.
Tại thời điểm đó, một số thành viên trong hội đồng trao giải còn khá tranh cãi về tài năng văn chương của Sartre, vì vậy, việc ông từ chối nhận giải Nobel càng làm dấy lên những tranh luận về sau.
Trước đây chỉ từng có một trường hợp tác gia từ chối nhận giải Nobel Văn học, đó là nhà thơ người Thụy Điển Erik Axel Karlfeldt. Nhưng ông đã thành công trong việc thuyết phục các thành viên trong hội đồng không trao giải cho mình hồi năm 1919 bởi khi đó, ông là một thành viên trong hội đồng xét giải.
Về sau, ông lại một lần được trao giải sau khi đã qua đời hồi năm 1931, ở thời điểm này, quy định về việc giải chỉ được trao cho những tác giả còn đang sống vẫn chưa được đưa ra.
Năm 1958, nhà văn người Xô Viết Boris Pasternak cũng từ chối nhận giải Nobel Văn học, nhưng theo nhiều nguồn tin, nhà văn Pasternak đã từ chối nhận giải thưởng này một cách không tự nguyện, vì vậy, trường hợp của Pasternak không giống như nhà văn Pháp Sartre.
Ngoài nhà văn Sartre, chỉ còn một nhân vật nữa từ chối nhận giải Nobel sau khi đã được xướng tên, đó là nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam - ông Lê Đức Thọ - người đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 1973 với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vì đã thương thảo thành công việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.