(HNM) - Loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính là việc mà Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh trong thời gian qua.
Hiện nay, trên thế giới, trong công tác bảo vệ môi trường, vấn đề đang được quan tâm hàng đầu là tầng ozon, trung tâm bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi bị bức xạ tia cực tím gây hại, đang bị tàn phá do ô nhiễm. Khí thải Chlorofluorocarbon (CFC) được khẳng định là tác nhân hàng đầu gây ra hiện tượng này.
Năm 2016, các nước thành viên Nghị định thư Motreal đã thông qua “Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC” (Bản sửa đổi) trong khuôn khổ Nghị định thư Motreal. Nguyên nhân bởi HFC (chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy, dược phẩm) là chất khí làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Những thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực loại bỏ việc sử dụng các chất CFC và với những quy định mới tại Bản sửa đổi, Việt Nam cũng đang nỗ lực đáp ứng vấn đề này. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp để bảo đảm không sử dụng chất làm suy giảm tầng ozon.
“Việt Nam không sản xuất ra chất làm suy giảm tầng ozon. Trước đây, chúng ta chỉ nhập khẩu chất này để phục vụ công tác chữa cháy, hoặc đưa vào thiết bị làm lạnh điều hòa không khí, hay thiết bị sử dụng làm lạnh… Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng loại bỏ những thiết bị thế hệ cũ (có chất CFC gây hại tầng ozon). Về lộ trình loại bỏ chất HFC, đến nay Cục Biến đổi khí hậu đã thực hiện đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét để trình Chính phủ phê duyệt” - ông Tấn cho biết.
Cũng theo ông Tấn, một trong những giải pháp hiệu quả giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính là chương trình dán nhãn năng lượng. Tại Việt Nam, chương trình này triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện và bắt buộc từ ngày 1-7-2013.
Chia sẻ về điều này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, mục tiêu của chương trình là sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương sẽ giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hằng năm sẽ vào khoảng 6.000GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với 2 nhà máy điện đốt than 1.000MW.
Kể từ khi chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc áp dụng ngày 1-7-2013 đến năm 2018 đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.
Thống kê của Hội Điều hòa không khí Việt Nam cũng cho thấy, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng hơn 100 triệu kWh/năm…
Rõ ràng, tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống, sử dụng các thiết bị, sản phẩm tiết kiệm năng lượng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường xanh, mà qua đó sẽ giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm thêm nguồn tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.