Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đức Hải - Triệu Hoa| 16/11/2012 13:58

(HNMO)- Sáng nay (16-11), Quốc hội tiếp tục họp tại hội trường để thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (tỉnh Phú Yên)


Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, một số điều trong Dự thảo sửa đổi không rõ. Cụ thể, theo ông Trường, tại Điều 6 Dự thảo sửa đổi vừa không rõ, vừa như xa rời nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất. Bởi lẽ, Dự thảo sửa đổi có đặt vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp thông qua các cơ quan đại biểu và “các cơ quan nhà nước khác”. Vậy, “không rõ cơ quan Nhà nước khác” ở đây là cơ quan nào?- ông Trường nhấn mạnh. Để tránh sự hiểu lầm, ông Trường đề nghị viết lại: “Nhân dân thực hiền quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và gián tiếp thông qua cơ quan đại biểu do mình bầu ra là Quốc hội và HĐND”...

Đại biểu Trần Văn Bản (Nam Định) cho rằng, chương 10 quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước nên quy định thành 2 chương riêng biệt. Vì 2 chế định này không liên quan đến nhau... Theo ông Bản, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập và hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc sử dụng tài chính và tài sản quốc gia. “Cần quy định rõ thời gian báo cáo của tổng kiểm toán vì Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia, thông qua các hoạt nghiệp vụ để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách (tiền) và tài sản nhà nước. Quốc hội, UBTV Quốc hội cần phải nắm bắt kịp thời, sử dụng những công cụ của mình để giám sát việc thực thi pháp luật, để đảm bảo an ninh kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”- ông Bản nhấn mạnh. Ông cho rằng, Tổng kiểm toán Nhà nước cần báo cáo Quốc hội một năm hai lần vào 2 kỳ họp và UBTV Quốc hội 2 lần trong năm.

Liên quan đến Kiểm toán Nhà nước, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) có ý kiến, đồng ý thành lập Kiểm toán Nhà nước, một chế định độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng theo ông Đương, cần làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước. KTNN không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia, mà cả các nguồn lực khác.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhất trí KTNN là cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập (như bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Tuy nhiên, ông Quyền đề nghị, vì là cơ quan do Quốc hội thành lập nên người đứng đầu cơ quan đó (Tổng KTNN) được bầu trong số các Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) thể hiện rõ quan điểm: “Chúng ta xây dựng Nhà nước đơn nhất. Nhà nước là quyền lực chính trị được thiết lập trên một cộng đồng dân cư ổn định và một lãnh thổ ổn định. Ba yếu tố đó được gọi là quốc gia... Từ khi chúng ta lập quốc đến giờ, chúng ta xây dựng một nhà nước đơn nhất. Quyền lực nhà nước được thể hiện qua các định chế chính trị và hiến pháp quy định, đó là Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Viện kiểm sát, tòa án. Trong một nhà nước đơn nhất chỉ có nhà nước, chứ không có nhà nước trung ương, nhà nước địa phương”. Trên cơ sở đó, ông Lịch đề nghị, trong điều 1 Hiến pháp cần ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước đơn nhất...”

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực cần được thể chế hóa cụ thể từ cương lĩnh của Đảng vào trong Hiến pháp- đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. “Cần phải xác định rõ ràng cơ quan lập pháp-Quốc hội, cơ quan hành pháp- Chính phủ, cơ quan tư pháp- tòa án. Quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, tòa án và phần nào đã thể hiện được sự kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp (ở trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)”.

Tuy nhiên, theo ông Độ, trong Dự thảo, cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực chưa đầy đủ, chưa sâu, chưa triệt để so với phân công, phối hợp... Để thể hiện quyền lực nhà nước rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, ông Độ kiến nghị, trong dự thảo cần bỏ quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội” bởi theo quy định cơ quan hành pháp- Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện nghị quyết, luật của Quốc hội ban hành... Nghiên cứu, bổ sung hoặc thành lập một số cơ quan của Quốc hội để tăng thẩm quyền giám sát của Quốc hội- cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, như: cơ quan KTNN, cơ quan Bảo Hiến... Giao Chủ tịch nước việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao sau khi Quốc hội phê chuẩn...

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.