Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục tạo ra sức mạnh và niềm tin trong nhân dân vào báo chí của Đảng

H.H| 23/09/2011 13:31

(HNMO) – Nhiều tổ chức, cá nhân đã mua, đọc và làm theo những gương điển hình tiên tiến; những kinh nghiêm hay mà báo Đảng phản ánh, từ đó tạo ra sức mạnh và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào báo chí của Đảng, coi báo Đảng như người bạn đồng hành trong cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ phát biểu tổng kết hội nghị.
Ảnh: Bá Hoạt.

(HNMO) – Sáng nay (23/9) tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) "Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng".

Ngày 28/12/1996, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW "Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng". Đây là Chỉ thị có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng và Trung ương và các Đảng bộ địa phương.

Từ đó đến nay, nhận thức sâu sắc vai trò của báo chí của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, Thành uỷ Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ ngay sau khi Chỉ thị ra đời. Đặc biệt sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, để các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện thống nhất việc mua và đọc báo của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, ngày 29/7/2009, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã có Công văn số 554-CV/BTGTƯ về việc phát hành báo Hànộimới, báo Kinh tế &Đô thị và Bản tin Thông tin nội bộ trên địa bàn thành phố; UBND TP cũng ban hành Công văn số 8460/UBND-VHKG (ngày 31/8/2009); Sở Tài chính có Công văn số 4536/STC-HCSN (ngày 5/10/2009) thống nhất về việc mua và cung cấp báo đối với cán bộ cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Cùng với đẩy mạnh việc mua, đọc và sử dụng báo chí của Đảng, thời gian qua các cơ quan báo chí của Đảng đã thường xuyên được cải tiến, nâng cao chất lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, số lượng các ấn phẩm...đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, địa bàn phát hành báo Hànộimới trong hệ thống chính trị Thành phố chủ yếu ở 09 quận nội thành. Sau khi hợp nhất, địa bàn phát hành mở rộng tới 29 quận, huyện, thị xã; 577 phường, thị trấn.

Đồng chí Nguyễn Công Soái thay mặt Thường vụ Thành ủy trao tặng Bằng khen  cho 11 tập thể đã thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII).
Ảnh: Bá Hoạt.


Ngay từ những ngày đầu hợp nhất, báo đã thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ về việc phát hành báo Hànộimới đến các Chi, Đảng bộ thuộc tỉnh Hà Tây (cũ); 04 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (cũ); huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Báo Hànộimới đã kết hợp với Bưu điện tỉnh Hà Tây (cũ), Công ty phát hành báo chí Trung ương thực hiện tốt công tác phát hành báo Hànộimới, đảm bảo 100% các Chi, Đảng bộ, chính quyền nói trên nhận được báo Hànộimới sớm nhất trong ngày.

Trong tình hình hiện nay, khi các loại hình báo điện tử, phát thanh truyền hình phát triển nhanh, đa dạng, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt nên thị phần báo in có xu hướng giảm sút. Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng (như: Ban Tuyên giáo, Văn phòng và các Ban Đảng của Thành uỷ) và sự phối hợp chặt chẽ của ngành bưu điện từ Trung ương đến các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động; việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng đã phát huy hiệu quả thiết thực, số lượng phát hành các báo Nhân dân, Hànộimới, Tạp chí Cộng sản, báo Kinh tế và Đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn giữ được ổn định. Vì thế có thể khẳng định: sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả của các cơ quan báo, tạp chí của Đảng ở Trung ương và Thành phố, mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo và bưu điện, Văn phòng cấp uỷ và tài chính các cấp đã góp phần tích cực cho triển khai thực hiện việc mua và đọc báo Đảng đạt kết quả tốt đẹp.

Bên cạnh đó còn phải kể đến sự phối hợp đồng bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và ngành bưu điện, cộng với sự cố gắng của các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức nên các ấn phẩm báo chí của Đảng chất lượng ngày càng cao, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã mua, đọc và làm theo những gương điển hình tiên tiến, những kinh nghiêm hay mà báo chí phản ánh, từ đó tạo ra sức mạnh và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào báo chí của Đảng, coi báo chí của Đảng như người bạn đồng hành trong cuộc sống.

Mặc dù vậy nhìn tổng quát, số lượng phát hành báo và tạp chí của Đảng nói chung (báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, báo Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Bản tin Thông tin nội bộ...) tuy đã đạt những kết quả phấn khởi nhưng vẫn còn một số hạn chế, như việc quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của một số cấp uỷ, nhất là cơ sở có nơi còn chưa nghiêm túc. Còn có cơ sở đặt mua báo chưa thường xuyên; tỷ lệ phát hành báo và tạp chí của Đảng có nơi còn chưa cao. Cá biệt còn có cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên đọc, nghiên cứu, học tập và làm theo báo chí của Đảng. Việc phát huy hiệu quả của báo chí đối với bạn đọc trong học tập và làm theo điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trên báo đã phát huy tác dụng tốt nhưng vẫn chưa thực sự trở thành phong trào rộng rãi. Một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị tuyên truyền mua và đọc báo, tạp chí của Đảng có lúc còn chưa thường xuyên, kịp thời, cán bộ làm công tác phát hành phải kiêm nghiệm nhiều công việc; vẫn còn một số cơ sở, đơn vị mua báo, tạp chí chưa đủ số lượng theo quy định. Một số quận, huyện, thị xã mới được hợp nhất về Hà Nội vẫn còn những khó khăn vướng mắc do một số điều kiện khách quan. Một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng đơn vị chưa chủ động khắc phục để có sự quan tâm đúng mức đến việc mua và sử dụng báo Đảng.

Các tham luận đọc tại hội nghị cũng đã chỉ ra việc mua, đọc và sử dụng báo Đảng đang đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm, vẫn còn một số lãnh đạo cấp uỷ, ban ngành, đoàn thể, cơ quan hành chính sự nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, chưa tạo điều kiện về kinh phí để đáp ứng nhu cầu đọc báo đảng của đơn vị. Một số đảng bộ, tỷ lệ chi bộ có báo Đảng chưa cao. Nhiều chi bộ chưa sử dụng báo chí của Đảng trong sinh hoạt chi bộ, chưa thấy hết tác dụng của tờ báo in, cho rằng đã có báo mạng đọc thì không cần đặt mua báo in nữa; công tác tuyên truyền tại một số địa phương có nơi chưa thường xuyên nên phong trào mua, đọc và làm theo báo Đảng vẫn chưa trở thành nền nếp; công tác tổ chức, kiểm tra việc mua, đọc và sử dụng báo Đảng ở nhiều chi bộ, đảng bộ, tổ chức phố, cơ quan hành chính cũng chưa được thực hiện ...Với thực tế như vậy, việc đặt mua báo Đảng ở một số nơi giảm dần; một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn có không ít những khó khăn, hạn chế trong việc mua và đọc báo Đảng.

Bên cạnh đó, hình thức nội dung thể hiện của các báo, tạp chí của Đảng và chính quyền Thành phố tuy đã liên tục được cải tiến, nâng cao chất lượng về nội dụng, hình thức nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới và nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, nội dung có khi còn khô cứng, nên hạn chế việc lôi cuốn bạn đọc, một số xã vùng sâu, vùng xa mặc dù nhân viên bưu điện chuyển báo vê tới trung tâm xã nhưng vẫn chưa phân phát báo kịp thời tới các chi bộ.

Thời gian tới, nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tăng. Việc cung cấp và định hướng thông tin về các lĩnh vực đời sống xã hội qua báo, tạp chí của Đảng ngày càng có vai trò quan trọng. Các báo, tạp chí của Đảng cần tiếp tục đổi mới nâng cáo chất lượng nội dung, hình thức trình bày. Qua mạng lưới phát hành, xây dựng mối quan hệ thường xuyên giữa các báo, tạp chí của Đảng với bạn đọc, chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân phản ánh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất bản, phát hành và sử dụng báo, tạp chí của Đảng. Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 1996, đến nay đã qua 15 năm thực hiện nên cần được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của các loại phương tiện thông tin đại chúng khác như báo hình, báo nói, nhất là báo điện tử, Internet...

Thành phố cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân bổ, quản lý kinh phí, sao cho mọi tổ chức cơ sở Đảng có đủ kinh phí để đặt mua báo, tạp chí của Đảng; Thành phố cần cân đối ngân sách cấp báo, tạp chí đến cơ sở hoặc cấp kinh phí về quận, huyện, thị xã để các địa phương chủ động đặt báo, tạp chí đến cấp cơ sở. Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc sử dụng kinh phí đối với việc đặt mua báo , tạp chí của Đảng, sao cho sử dụng kinh phí đúng nguyên tắc, đúng mục đích, không dùng vào việc khác, có cơ chế phối hợp theo dõi, kiểm tra. Đồng thời định hướng cho các TCCSĐ thực hiện đặt mua báo chí đảng qua kênh phát hành của bưu điện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống kê, theo dõi tình hình mua và đọc báo chí đảng, Hằng năm, các cầp uỷ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 50-KH/TW của Ban Thường vụ Thành uỷ.

Định kỳ Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính VN, các toà soạn báo, tham mưu Ban Thường vụ Thành uỷ tổ chức hội nghị sơ, tổng kết đánh giá tình hình phát hành báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn Thành phố để động viên khen thưởng tương xứng những đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ này. Ban tuyên giáo quận, huyện, thị xã và các đảng bộ trực thuộc phối hợp chặt chẽ với bưu điện trên địa bàn để nắm tình hình phát hành, đặt mua và sử dụng báo đảng, đồng thời tham mưu thường trực cấp uỷ chỉ đạo công tác này có hiệu quả thiết thực.

Nguồn ngân sách chi cho mua báo, tạp chí của Đảng cần được các địa phương quan tâm thực hiện. Cần có đề mục riêng phần kinh phí dành cho mua báo, tạp chí của Đảng, khắc phục tình trạng thiếu kinh phí mua báo chí của Đảng theo quy định; kiểm tra chặt chẽ việc cấp kinh phí mua báo đúng chủng loại, phục vụ đúng đối tượng. Đối với những chi bộ, đảng bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí phù hợp trong việc phát hành báo, tạp chí của Đảng. Các bưu điện trên địa bàn Thành phố cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với độc giả; đồng thời mở thêm các hệ thống bán báo lẻ để đưa báo chí của Đảng đến độc giả một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng nhấn mạnh: mặc dù việc thực hiện mua, đọc và sử dụng báo Đảng trên địa bàn Thành phố đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng so với vị thế, thực tế số lượng các đầu mối tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể của Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan (như sự phát triển của internet và báo mạng) ảnh hưởng đến sự sụt giảm độc giả báo in thì một số đơn vị có số lượng mua, đọc báo, tạp chí của Đảng thấp nêu lý do vì thiếu kinh phí là không thoả đáng. Rõ ràng ở đây có nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng báo chí của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của một số cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp. Trách nhiệm trước hết thuộc về ban lãnh đạo, thủ trưởng các địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 50 của Thành uỷ.

Một nguyên nhân nữa khiến số lượng phát hành báo Đảng giảm sút mà một số ý kiến ở cơ sở nêu ra là: hình thức, nội dung của báo chưa thật hấp dẫn; thông tin phản ánh của báo chưa phong phú, đa dạng, chưa bám sát thực tiễn của cuộc sống; thiếu những cây viết chuyên sâu và những bài viết có tính định hướng; tính phản biện cao; chưa thu hút được bạn đọc, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 50 của Thành uỷ, các cơ quan chức năng (Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin Truyền thông, báo chí) cần khảo sát, nghiên cứu thực tiễn và dự báo chính xã xu thế phát triển của báo chí thế giới, khu vực, trong nước và từ đó tham mưu với Trung ương, Thành phố xây dựng Chiến lược, Đề án phát triển báo, tạp chí Đảng trong tình hình mới với tầm nhìn đến năm 2020 và 2030 trên cơ sở nhận thức: báo chí, xuất bản nước ta ra đời, tồn tại và phát triển chính là nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước. Do đó, cùng với tính Đảng, báo chí cách mạng phải có tính nhân dân. Báo chí phải phản ánh, đánh giá các hiện tượng và sự kiện của đời sống theo lập trường của Đảng, đại diện và bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động.

Các cơ quan báo, tạp chí của Đảng cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị phát hành, bưu điện nâng cao chất lượng phục vụ và bố trí phù hợp hành trình, rút ngắn thời gian vận chuyển để báo chí đến các chi bộ, đảng bộ và nhân dân trên địa bàn Thành phố (kể cả vùng xa trung tâm) trong thời gian sớm nhất. Cần nhân rộng cách làm hay, điển hình có hiệu quả trong mua và sử dụng báo đảng để các địa phương khác học tập, làm theo. Cần kết sức chú trọng tới vai trò, tác động của báo chí, truyền thông của Đảng trong việc giáo dục, hướng dẫn thế hệ trẻ.

Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội đã trao bằng khen cho 11 tập thể; Ban Tuyên giáo Thành ủy trao Giấy khen cho 36 tập thể và 5 cá nhân; Báo Hànộimới trao Giấy khen cho 13 tập thể và cá nhân đã thực hiện tốt  Chỉ thị số 11-CT/TW "Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tạo ra sức mạnh và niềm tin trong nhân dân vào báo chí của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.