Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức của công tác tuyên giáo

TS Bùi Thế Đức| 31/07/2022 09:26

(HNMO) - Năm nay, kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, trong bối cảnh là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Năm 1930, sau khi ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền để tuyên truyền, giác ngộ đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối cách mạng của Đảng. Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”.

Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ngày 23-6.

Tài liệu này khi phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta. Từ thời điểm đó, ngày 1-8 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 1-8-1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam.

Ôn lại chặng đường vẻ vang 92 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng, đất nước và nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội[1].

Vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Tuyên giáo không ngừng đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng và đạt được những thành tựu quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen với những thách thức, khó khăn.

Trên thế giới, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, quyết liệt; cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; NATO tiếp tục bành trướng; những biến thể Omicron của đại dịch Covid-19 đang bùng phát ở một số nước. Kinh tế thế giới rơi vào đại khủng hoảng, lạm phát tăng cao.

Ở trong nước, những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và đến nay cơ bản kiểm soát được. Sau hai năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế gặp nhiều khó khăn thì 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi sắc, GDP tăng hơn 6%, lạm phát cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức được tăng cường; công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tạo niềm tin trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Đặc biệt, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội Thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và cũng là nước đạt tổng số huy chương cao nhất trong lịch sử các kỳ đại hội.

Công tác tuyên giáo đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã và đang đi vào cuộc sống. Tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng có hiệu quả cao. Việc tiến hành sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương có nhiều đổi mới. Nâng cao chất lượng công tác lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó toàn ngành tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm mang tầm thời đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác tuyên giáo còn có một số hạn chế, khó khăn. Đó là: Việc triển khai Chỉ thị 01-CT/TƯ về việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Đảng ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi chất lượng chưa cao; công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức tuy đã được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nội dung, nhưng quy trình, phương thức triển khai thực hiện chưa cụ thể, còn lúng túng nên hiệu quả chưa rõ nét; việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ở một số nơi hiệu quả chưa cao; việc tổ chức đối thoại với nhân dân ở một số địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm; tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có lúc, có nơi trên một số lĩnh vực chưa rõ.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, công tác tuyên giáo trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:

Một là, tiếp tục tập trung tuyên truyền khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ tiếp tục phát triển vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng từ hàng ngàn năm của dân tộc ta.

Hai là, tiếp tục tập trung tuyên truyền có hệ thống, sâu rộng tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” với nhiều hình thức sáng tạo. Đặc biệt, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”[2].

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình mới, như: Tập trung vào những dự báo chiến lược để chủ động tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giải quyết các vấn đề do lý luận và thực tiễn đặt ra trước những diễn biến nhanh, khó lường của thế giới và khu vực, nhất là trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đất nước không bị bất ngờ trong bất cứ hoàn cảnh nào; bám sát những vấn đề thực tiễn của đất nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực trên cơ sở tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ở các cấp, nhất là của người đứng đầu như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Các cán bộ, đảng viên và người lao động thể hiện nhận thức về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng việc làm thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “Nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở đánh giá kết quả làm theo[3].

Bốn là, chủ động đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kiên quyết tấn công làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Năm là, công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới khắc phục cách làm áp đặt, tuyên truyền một chiều, gây giảm niềm tin trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng chính là chống lại kẻ thù”. Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiêp đổi mới, những thành tựu của công tác bảo vệ nhân quyền ra cộng đồng thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài.

Sáu là, tiếp tục tuyên truyền bốn nguy cơ mà hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định, trong đó đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nhanh hơn nữa để tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như một số chuyên gia đã cảnh báo. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền 5 vấn đề bức xúc trong xã hội ta hiện nay liên quan đến tư tưởng, tính mạng và sức khỏe của nhân dân là: An toàn thông tin mạng; an toàn thông tin dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thẩm (gọi tắt là “5A”).

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo là dịp chúng ta tiếp tục kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức của công tác tuyên giáo để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

TS Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2021, trang 181, 183.
(2) Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Báo Nhân Dân ngày 17-5-2021. Trang 2.
(3) Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Học và làm theo Bác bằng việc làm thiết thực. Tạp chí Tuyên giáo số 5-2021. Trang 3.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức của công tác tuyên giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.