(HNM) - Trong những ngày xuân tràn đầy niềm tin và hy vọng, giữa vùng đất địa linh nhân kiệt đang ngân vang những thanh âm ngàn năm văn hiến, Đảng bộ thành phố Hà Nội tự hào bước vào tuổi 90. 90 năm qua kể từ khi thành lập (17-3-1930), lớp lớp đảng viên Thủ đô đã cùng Nhân dân nỗ lực phấn đấu, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi, hun đúc nên những truyền thống tự hào, xứng danh với Thủ đô, trái tim của cả nước.
I
Cách đây gần 1010 năm, vị vua anh minh Lý Thái Tổ với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường đã ban “Chiếu dời đô”, chọn vùng đất thế “rồng cuộn, hổ ngồi” làm kinh đô, đặt tên là Thăng Long. Kể từ đó, lịch sử nghìn năm đã hun đúc nên truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mạnh mẽ và đạt tầm cao thời đại mới khi Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi Đảng bộ thành phố Hà Nội ra đời.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, giữa lúc phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc về đường lối, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kính yêu - đã ra đi tìm đường cứu nước. Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Người đã tìm ra chân lý: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác bằng con đường cách mạng vô sản.
Hà Nội, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước khi ấy đã sớm tiếp thu ánh sáng đó, trở thành một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Tổ chức đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chi bộ đầu tiên của Đảng (Chi bộ 5D Hàm Long) được thành lập đều ở Hà Nội. Để rồi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chỉ hơn 1 tháng, ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội cũng đã được thành lập tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc: Ban Chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam (đồng chí Đỗ Ngọc Du được phân công làm Bí thư Thành ủy lâm thời).
Như vậy, Đảng bộ Hà Nội có vinh dự lớn là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Hà Nội cùng với cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng và sự ra đời của Đảng bộ ở Hà Đông, Sơn Tây và các địa phương khác.
Lịch sử ra đời, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ Hà Nội luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã qua 90 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử; bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ; Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó nổi bật là:
(1) Đảng bộ Hà Nội đã vững vàng, bản lĩnh vượt qua thử thách, lãnh đạo phong trào cách mạng và tiến hành thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân ở Thủ đô, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại
Ngay sau khi ra đời, cùng với phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ khắp cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hà Nội đã đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là trong ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945). Trong những tháng năm này, dù tổ chức bị địch phá vỡ nhiều lần, nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt… nhưng bản lĩnh anh hùng, sức chiến đấu kiên cường, bất khuất của những người cộng sản đã không bao giờ lùi bước. Đảng bộ Hà Nội và các tổ chức Đảng thuộc Hà Đông, Sơn Tây vẫn đứng vững, sức sống ngày càng mạnh mẽ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng cao. Chính vì thế, khi thời cơ đến, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, Đảng bộ Hà Nội đã tận dụng thời cơ, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên những cơn sóng trào, cuốn phăng bọn thực dân và bè lũ bán nước; góp phần quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 là đỉnh cao cuộc đấu tranh của Nhân dân cả nước diễn ra ở Hà Nội. Quân lệnh khởi nghĩa của Trung ương phát đi từ ATK “Thủ đô kháng chiến”. Do điều kiện khó khăn, lúc đó Quân lệnh chưa về tới Hà Nội, song, nắm bắt thời cơ đến, bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, chỉ với gần 50 đảng viên, Đảng bộ Hà Nội đã tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhất tề đứng dậy, giành chính quyền.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội là kinh nghiệm quý giá để Đảng ta kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trong cả nước, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với ý nghĩa đó, Hà Nội đã ghi thêm một chiến công chói lọi trong trang sử đấu tranh bất khuất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ thành phố.
(2) Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Trong tình thế hiểm nghèo “Ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ của Trung ương và Hà Nội.
Với ý chí: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến đã sáng tạo nhiều hình thức chiến đấu trong lòng thành phố, làm tiêu hao lực lượng và kìm chân chúng ở Thủ đô suốt 60 ngày đêm, chặn đứng âm mưu “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Hình ảnh những chiến sĩ và đồng bào Hà Nội kiên cường bám từng góc phố, ngôi nhà quyết đánh giặc mãi in đậm trong tâm trí đồng bào cả nước. Đây là đóng góp có ý nghĩa to lớn giúp Trung ương cùng cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ Hà Nội vừa gây dựng, củng cố tổ chức ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, vừa lãnh đạo quân, dân Hà Nội tham gia cuộc chiến đấu chung trên chiến trường cả nước, vừa trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Hà Nội.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7-5-1954, ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân xâm lược, năm cửa ô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, trong đó có những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng. Thủ đô được giải phóng, trở lại vị trí trung tâm, đầu não chính trị của cả nước.
(3) Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong bối cảnh vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược
Giai đoạn 1954-1975 là quãng thời gian có nhiều sự thử thách nghiệt ngã, song cũng rất tự hào đối với Đảng bộ Hà Nội. Từ 1954-1964, trong tình hình một nửa đất nước phải sống dưới ách xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ; Hà Nội một mặt tập trung sức khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh; đồng thời cùng miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Trung ương Đảng và Bác Hồ luôn dành cho Thủ đô Hà Nội niềm tin yêu và kỳ vọng đặc biệt. Dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, một hội nghị có ý nghĩa là Đại hội lần thứ I của Đảng bộ Hà Nội ngày 25-4-1959, Bác căn dặn: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Khắc ghi lời Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hà Nội đã tích cực xung kích, đi đầu, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”... Ở mỗi phong trào, tinh thần xung kích, đi đầu của người Hà Nội luôn sục sôi khí thế, tràn đầy sức sống.
Từ 1965-1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân, trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ; sau đó là thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều thành tựu mới, bước đầu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
(4) Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo Nhân dân Thủ đô cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, khôi phục, phát triển đất nước sau chiến tranh; đồng thời cùng với quân dân cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Hơn ba thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, tiến hành công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đi lên của Thủ đô với nhiều triển vọng tốt đẹp. Đặc biệt, sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính và triển khai Luật Thủ đô, Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Đảng để lãnh đạo xây dựng và phát triển Thủ đô. Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục đào tạo luôn giữ vững lá cờ đầu cả nước về quy mô, chất lượng và đầu tư cơ sở vật chất. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội ngày càng nâng cao.
Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng hiện đóng góp trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố tăng 7,62%, đạt kế hoạch đề ra và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đến nay. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 270,5 nghìn tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán, tăng hơn 8,9% cùng kỳ năm 2018. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt hơn 8,7 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước.
Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đã có 6 huyện và 356/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 92,2% số xã), trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp diễn ra sôi động; môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử theo mô hình chính quyền đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ hiện đại… tiếp tục được cải thiện.
Hà Nội đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới; tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn diễn ra tại Thủ đô, đã góp phần làm cho Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Hình ảnh về “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO tôn vinh ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách và bè bạn bốn phương.
Những nỗ lực, hy sinh, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào Thủ đô vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, biểu dương bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Ba lần được tặng Huân chương Sao vàng (năm 1984, 2004 và 2010); danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014; được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999; 1 Huân chương Độc lập và 4 năm liên tiếp từ 2016 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ…
Đặc biệt ý nghĩa, Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm được trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019). Đó là những niềm vinh dự, tự hào không phải thủ đô nào cũng có được.
II
Lịch sử 90 năm Đảng bộ thành phố Hà Nội là lịch sử đấu tranh, xây dựng, phát triển và trưởng thành. Trong quá trình này, Đảng bộ Hà Nội đã tích lũy, hun đúc nên những truyền thống đáng tự hào mà ngày nay cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Nội có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn, phát huy:
Thứ nhất, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dù trong hoàn cảnh tạm bị địch chiếm đóng, đàn áp, khủng bố, trong bất kỳ lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, dù trong chiến tranh ác liệt cũng như trong hòa bình xây dựng, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, không dao động hoặc mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.
Đảng bộ luôn tin tưởng và ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, chủ động, năng động sáng tạo trong quá trình vận dụng quan điểm, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp thực tiễn Hà Nội ở từng giai đoạn và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quyết sách đã đề ra.
Hà Nội là mảnh đất tiêu biểu cho lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta. Hà Nội là trái tim của cả nước… Những đặc điểm đặc biệt ấy đã nói lên vị thế, tầm quan trọng của Hà Nội. Mỗi bước phát triển, mỗi biến cố của Hà Nội đều có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình của cả nước.
Từ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô và niềm tự hào về trách nhiệm của Đảng bộ Hà Nội đối với Đảng và đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã luôn ra sức phấn đấu, phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo, góp phần xứng đáng vào thành tựu lớn lao chung của đất nước.
Thứ ba, truyền thống đoàn kết.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết “Như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Với Đảng bộ Hà Nội, việc tăng cường sự đoàn kết, nhất trí lại luôn được coi trọng và xác định là nhân tố hàng đầu trong mọi hoạt động của Đảng bộ.
Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII). Công tác sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức với phương châm: “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” được thấu suốt ở các ngành, các cấp; nhờ vậy đã nhanh chóng ổn định được tình hình, tạo đà cho Hà Nội tiếp tục phát triển vươn lên vị thế mới, tầm cao mới.
Thứ tư, truyền thống gắn kết mật thiết với Nhân dân.
Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc sức mạnh của Đảng là từ sự gắn bó máu thịt với Nhân dân. Nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, từng thời kỳ có thể khác nhau, nhưng mục tiêu tất cả vì lợi ích của Nhân dân, vì hạnh phúc của Nhân dân thì không bao giờ thay đổi.
Thứ năm, truyền thống tiên phong, gương mẫu, nhân văn trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Nhìn lại 90 năm qua, dù trải qua cam go khắc nghiệt, dù thử thách lớn lao, thực tiễn cách mạng và sự phát triển của Thủ đô Hà Nội đã khẳng định truyền thống cách mạng, tiên phong đi đầu của Đảng bộ Hà Nội. Đảng bộ Hà Nội luôn nỗ lực cố gắng để xứng với niềm tin của Trung ương Đảng, của Bác Hồ kính yêu trong thực hiện mục tiêu “gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
Sống và hoạt động trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội đã và đang nêu cao tính tiên phong về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, về đạo đức, lối sống, xứng đáng với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đã hun đúc nên phẩm chất thanh lịch, văn minh, nhân văn của người Hà Nội.
Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật”. Trước đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới, mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội thấm sâu yêu cầu đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân, nêu cao đức tính tiên phong, gương mẫu, nhân văn - nhân tố quan trọng của văn hóa, tạo nên động lực mới, sức mạnh mới.
Những truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Hà Nội trong 90 mùa xuân qua mãi là sức mạnh, nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
III
Nhìn lại chặng đường 90 năm gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang của Đảng bộ Hà Nội, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô càng thêm thấm thía và tự hào về truyền thống hào hùng, trân trọng, nâng niu và gìn giữ những thành quả cách mạng đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Càng tự hào, mỗi người càng xác định rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước.
Trong những năm sắp tới, Thủ đô có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; song bên cạnh đó có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, vị thế, tầm vóc mới của Thủ đô. Trước mắt, cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, phát huy các truyền thống tốt đẹp, tiếp tục xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên với trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Nhiệm vụ trước mắt hiện nay là thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”: Sớm đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đi đôi với bảo đảm sản xuất kinh doanh, nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XVI; tập trung chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới, để Hà Nội xứng tầm là trung tâm lớn về văn hóa; mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh hơn nữa phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khai thác, phát huy có hiệu quả mọi tiềm lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.
Thứ ba, phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu... bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chủ động tham gia và tận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới mà Hà Nội có lợi thế…
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân và cộng đồng; tiếp tục kiên trì quán triệt quan điểm lấy “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của Nhân dân, tăng cường dân chủ ở cơ sở gắn với tiếp tục đảm bảo vững chắc an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn và xa trung tâm.
Thứ năm, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển, khắc phục những hạn chế của việc quy hoạch manh mún, không toàn diện và thiếu tính ổn định. Nâng cao năng lực quản lý đô thị cùng với việc chăm lo xây dựng nông thôn mới, từng bước giải quyết sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực, địa phương trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh công tác phát triển mở rộng khu vực đô thị, xây dựng đô thị vệ tinh và đô thị thông minh, đi liền với tăng cường quản lý đô thị và khu vực nông thôn, đặc biệt là quản lý đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị.
Thứ sáu, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc; chủ động, tích cực đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế. Phát huy tinh thần: Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội.
*
* *
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô cũng như đồng bào cả nước tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ thành phố; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây cũng là thời điểm đầy ý nghĩa để mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình, phát huy những ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, để phấn đấu sống, lao động xứng với truyền thống của Thủ đô và đất nước.
Sức xuân đang trào dâng trên mỗi con phố, đường làng của Thủ đô. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao hơn vị thế, tầm vóc của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến và anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”... Xây dựng Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.