Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ Hà Nội thực hiện “nói đi đôi với làm”

Hà Vũ| 19/05/2023 07:13

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Học tập và làm theo phong cách “nói đi đôi với làm” của Người, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, đưa Hà Nội vượt qua khó khăn, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. Trong ảnh: Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) được đầu tư xây mới, bảo đảm việc nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Quang Thái

1. Đúng vào sinh nhật lần thứ 132 của Bác, cách đây tròn một năm, chiều 19-5-2022, chủ trì cuộc làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và một số cơ quan chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định: “Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện ngay”. Ngay tại hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan thành phố tiếp tục chuẩn bị các điều kiện ở tư thế sẵn sàng.

Ngày 16-6-2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Nói là làm, Hà Nội đã bắt tay ngay vào thực hiện các công việc triển khai dự án. Đến nay, chỉ sau gần một năm, toàn thành phố đã giải phóng mặt bằng được hơn 50% diện tích dự án trên địa bàn và hơn 60% số ngôi mộ thuộc diện di dời. Quyết tâm và kết quả thực hiện dự án của Hà Nội là một trong sáu điểm ấn tượng được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy vừa qua. “Tôi tin chắc Hà Nội sẽ khởi công được Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Kết quả giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 tại Hà Nội là sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là 7 quận, huyện có dự án đi qua nhằm thực hiện cam kết về đích đúng tiến độ, đó là bàn giao ít nhất 70% diện tích trong tháng 6-2023 và 100% vào tháng 12-2023. Có thể nói, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, cách làm bài bản cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. “Tôi đi kiểm tra các quận, huyện có dự án đi qua, gặp bà con ai cũng đều hồ hởi, phấn khởi, mong dự án triển khai nhanh”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết. 

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

2. Nhìn lại hơn 2 năm qua, không chỉ riêng đối với dự án quan trọng trên, các cấp ủy Đảng thành phố mà tiên phong là Thành ủy Hà Nội đã thể hiện rõ phong cách hành động, “nói đi đôi với làm” trên tất cả các lĩnh vực. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, các đồng chí lãnh đạo Trung ương yêu cầu Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện “nhiệm vụ kép”. Thực hiện theo tinh thần đó, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo đảm sinh kế cho nhân dân. Năm 2021 - cao điểm của dịch bệnh, thành phố vẫn duy trì tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 2,92%. Năm 2022, đến giữa tháng 3, Hà Nội đã khống chế thành công dịch bệnh và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, qua đó đạt mức tăng trưởng cả năm là 8,89%. Bốn tháng đầu năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, GRDP thành phố vẫn tăng 5,8%. Tất cả các mức tăng trên đều cao hơn bình quân cả nước ở cùng thời điểm. Quy mô kinh tế của thành phố năm 2022 đã đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD), xấp xỉ bằng 1/8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 lần đầu tiên vượt hơn 300.000 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2023, số thu toàn thành phố đã đạt 185.000 tỷ đồng, bằng hơn 57% dự toán.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Đây là thành quả của phong cách lãnh đạo, chỉ đạo hành động, “nói đi đôi với làm” trên cơ sở phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đi liền với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Trong một năm qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Với tiến độ hiện nay, 3 nội dung này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10-2023.

Cũng với tinh thần “nói đi đôi với làm”, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã lấy chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó, “kỷ cương, trách nhiệm” là yếu tố hàng đầu, còn “hành động” là yếu tố trung tâm. Với phương châm này, thành phố đã gương mẫu đi đầu trong việc ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, ban hành kế hoạch ưu tiên đầu tư khoảng 49.200 tỷ đồng vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa.

3. Nhằm tiếp tục thực hiện “nói đi đôi với làm” tốt hơn nữa, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đổi mới công tác cán bộ ở tất cả các khâu: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ; cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về công tác này; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin... Thành ủy, các cấp ủy Đảng của thành phố thường xuyên đánh giá, hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm nâng cao trách nhiệm cán bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, đặc biệt là hiện thực được khát vọng phát triển Thủ đô như Bác Hồ hằng mong ước.

Hơn lúc nào hết, Hà Nội đã, đang nỗ lực vượt bậc để xứng đáng với tình cảm và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "...Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ Hà Nội thực hiện “nói đi đôi với làm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.