Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp lửa cho hiện tại

Hoàng Thi| 15/04/2015 07:21

(HNM) - Từ nguồn tư liệu dồi dào của chục năm sưu tầm và tiếp nối những cuốn sách nhật ký, thư chiến trường đã ra đời tuyển tập


Tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam" sắp được Nhà xuất bản Công an nhân dân cho ra mắt gồm 800 trang, là sự tiếp nối dự án "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam" do nhà văn Đặng Vương Hưng khởi xướng và thực hiện hàng chục năm qua. Trong đó sẽ công bố những thông tin, câu chuyện mới của cả người lính ở chiến trường và người thân của họ nơi hậu phương. Từng nỗi nhớ thương, lo lắng về vợ, con, cha, mẹ, anh em; những lời căn dặn rất chi tiết, rất sống động về chuyện ăn, ở, học hành trong hoàn cảnh cơm gạo thiếu thốn, giặc thù không ngừng rình rập, bủa vây hay leo thang đánh phá; những liên tưởng lãng mạn và hào hùng về ngày chiến thắng với hạnh phúc lớn nhất được trở lại với người thân; kể cả những phút yếu lòng và những đấu tranh tư tưởng…

đều hiện lên chân thực, giàu xúc cảm. Bởi theo nhà văn Đặng Vương Hưng, mỗi lá thư ấy được viết cho chính người thân của mình, giãi bày suy nghĩ, niềm vui, niềm hy vọng chứ không hướng đến mục đích xuất hiện trên sách.

Có lẽ vì vậy mà trong những năm qua, hàng loạt trang nhật ký, lá thư của các cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ và gia đình họ đã đến với bạn đọc trong sự tôn trọng tối đa nguyên bản. Bên cạnh sự đón nhận những bức thư được tin cậy gửi về, nhà văn còn tích cực khai thác thêm thông tin, tư liệu để dựng lại phần nào không khí, bối cảnh mà những bức thư ra đời, giúp bạn đọc khi tiếp cận, hiểu thêm về những câu chuyện đẹp còn khuất lấp.

Cuốn sách còn có những câu chuyện cảm động mà chủ nhân của những tập tư liệu quý báu đó chia sẻ với nhà văn Đặng Vương Hưng. Ông Lê Hùng, cán bộ địa chất đã nghỉ hưu, viết: "Bố mẹ tôi có bốn người con trai thì ba em tham gia quân đội, đều chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong đó có hai em đã hy sinh (Lê Trọng Dũng và Lê Viết Cường), còn chú út là Lê Ngọc Toàn thì bị thương và ra quân năm 1976… Nay mẹ tôi đã 87 tuổi vẫn được đồng đội cũ của hai em thường xuyên quan tâm thăm hỏi, duy trì tình nghĩa tốt đẹp với gia đình". Còn bà Nguyễn Thanh Cần (Bạc Liêu) khi gửi những bức thư của người cha là Hai Cương viết cho các con đã cho biết: Sau khi mẹ hy sinh năm 1965, ruộng vườn, nhà cửa bị bắn tang hoang, sáu chị em bà phải theo cha, lênh đênh trên chiếc xuồng ba lá. Mỗi lần vào trận, ông lại gửi các con cho người này, người kia… nuôi giùm, cho đến khi đàn con đi học, trưởng thành.

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, rất nhiều gia đình, thân nhân khi gửi thư của liệt sĩ cho ông đều có chung nguyện vọng, qua việc đăng tải những bức thư này, sẽ có cơ hội tìm được phần mộ của liệt sĩ mà gia đình trong nhiều năm qua đã cất công nhưng chưa toại nguyện. Trong nhiều lá thư vẫn còn nguyên lòng tự hào, ý thức về giá trị lớn lao của hòa bình. Dường như mấy chục năm qua những lá thư, những kỷ vật của người thân để lại luôn là chỗ dựa thiêng liêng cho những người đang sống. Khi biết về cuộc sưu tầm thư chiến trường, họ coi đó là một cơ hội để vừa chia sẻ ký ức hào hùng, bi tráng, vừa nói về việc phải sống cho tốt trong hiện tại.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, cuộc sưu tầm nhật ký và thư thời chiến vẫn chưa thể dừng lại. Ông mong sẽ tiếp tục nhận được sự gửi gắm của những người đã lên đường chiến đấu, những người thân thiết của lớp người đã dâng hiến tính mạng, tuổi trẻ cho ngày vui chung của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp lửa cho hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.