(HNM) - Hơn 3 tháng sau khi Mỹ triển khai kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, đất nước Nam Á này đang đứng trước nguy cơ chìm vào vòng xoáy bạo lực. Việc các tay súng Taliban liên tục mở rộng địa bàn kiểm soát và lần đầu tiên chiếm cứ được một thủ phủ cấp tỉnh - thành phố Zaranj - báo hiệu những kịch bản bất ổn đối với tiến trình hòa bình, vốn rất được kỳ vọng sau gần 20 năm nội chiến.
Ngày 6-8, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Afghanistan Deborah Lyons tuyên bố, cuộc xung đột tại Afghanistan đang bước vào giai đoạn tàn khốc với nhiều dân thường thiệt mạng hơn. Ông đồng thời bày tỏ sự hoài nghi đối với cam kết của Taliban về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại đất nước này. Theo đặc phái viên Liên hợp quốc, hơn 1.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng chỉ trong vòng 1 tháng qua do các cuộc tấn công của Taliban và tình hình tại Afghanistan đang diễn biến tương tự như những gì diễn ra tại Syria. Sau khi đánh chiếm các khu vực nông thôn, giờ đây Taliban đang tiến quân tới các thành phố lớn.
Trong khi đó, ông Necephor Mghendi, người đứng đầu Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm (IFRC) tại Afghanistan khẳng định, người dân nước này đang đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo khi phải hứng chịu nhiều cú sốc. Hạn hán ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm, còn xung đột khiến số người phải sơ tán ngày càng gia tăng. Kể từ khi Mỹ tiến hành kế hoạch rút quân vào tháng 5, Taliban liên tục tăng cường các cuộc tấn công và tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.
Thông tin mới nhất, ngày 6-8, Taliban đã chiếm được thành phố Zaranj và giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Nimruz ở Tây Nam Afghanistan. Zaranj là thủ phủ đầu tiên rơi vào tay Taliban kể từ sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận với tổ chức này vào tháng 2-2020. Dù Nimruz nằm ở trung tâm Afghanistan, tuy nhiên, do vị trí có biên giới giáp Iran và Pakistan với nhiều hoạt động buôn bán, việc tiếp quản khu vực này sẽ mang lại cho Taliban một nguồn thu đáng kể từ hải quan để phục vụ cho việc vận hành tổ chức. Một thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, Taliban kiếm được gần 1,5 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này thu được từ việc hợp tác với các băng đảng địa phương, buôn bán ma túy trong khu vực. Năm 2020, Taliban đã kiếm được hàng triệu USD từ khai thác và buôn bán khoáng sản, và thậm chí sản xuất ma túy tổng hợp.
Hiện tại, giới phân tích đang đề cập tới 3 kịch bản có thể xảy ra tại Afghanistan. Trước hết, Chính phủ Afghanistan có thể triển khai hiệu quả những gì Mỹ khuyến nghị, tập trung lực lượng quân đội để bảo vệ các thành trì vững chắc tương tự như đã làm tại Kabul, Kandahar, Jalalabad và một vài thành phố trọng yếu khác. Nếu biện pháp này thành công, chính quyền Afghanistan sẽ nắm giữ được các địa bàn trọng yếu, buộc Taliban ly khai khỏi các thành phố lớn thì vị thế của lực lượng này trên bàn đàm phán càng yếu. Như vậy, khả năng đạt được các thỏa thuận sẽ nhanh hơn và lợi ích nghiêng về phía Chính phủ Afghanistan.
Kịch bản thứ hai, nếu Taliban tiếp tục chiếm cứ được thêm nhiều thành phố quan trọng, Chính phủ Afghanistan phải đồng ý với những điều kiện Taliban đề ra. Điều này có thể đảo ngược quá trình tự do hóa và hiện đại hóa đã diễn ra ở Afghanistan nhiều năm qua, với sự quay trở lại của một số quy định trong luật Sharia hà khắc.
Kịch bản cuối cùng không ai mong muốn đó là nội chiến toàn diện khi không có thỏa thuận nào giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan. Chính phủ Afghanistan sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ dưới áp lực ngày càng tăng về chính trị, quân sự và sắc tộc.
Hơn 1 năm trước, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban làm sáng lên tia hy vọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến kéo dài bằng giải pháp chính trị. Tuy nhiên, dường như lộ trình hòa bình đang đi chệch hướng sau khi Mỹ rút quân. Tình hình hiện nay đòi hỏi nỗ lực của cộng đồng quốc tế mới có thể giúp đất nước này thoát khỏi “bóng ma” chiến tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.