Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền mất, tật mang!

Xuân Lộc| 16/08/2017 06:40

(HNM) - Trong khi chất lượng nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi chưa thực sự bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng, máy lọc nước hiện là một trong những mặt hàng có sức hút trên thị trường. Thế nhưng, trước “ma trận” thị trường, việc lựa chọn sản phẩm máy lọc nước đạt chuẩn, lọc sạch các tạp chất tồn đọng


Loạn giá, loạn chất lượng

Dạo quanh thị trường máy lọc nước, phóng viên Báo Hànộimới không khỏi hoa mắt vì đếm sơ qua cũng có tới trên dưới 30 nhãn hàng khác nhau với xuất xứ, giá cả và công nghệ đa dạng như: Kangaroo, Kanofi, Geyser, Jenpec, Coway, Nanohome, Nanosky, Nanomax, Hanico… Từ các cửa hàng bán lẻ tới các trung tâm thương mại, giá bán các sản phẩm máy lọc nước cũng chênh lệch từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Người tiêu dùng nên chọn mua máy lọc nước ở các cửa hàng có uy tín để tránh hàng giả.
Ảnh: Anh Tuấn



Theo một chủ đại lý trên đường Giải Phóng, hiện nay có hai công nghệ máy lọc nước chủ yếu là RO và Nano. Nhiều khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả mà ít khi quan tâm đến thương hiệu, nên cửa hàng phải nhập về nhiều loại để họ lựa chọn. Dòng máy nhập khẩu nguyên chiếc từ các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… thường có giá cao; còn những loại máy tự lắp ráp giá rẻ hơn. “Sở dĩ, một số hãng có giá rẻ hơn giá niêm yết vì các loại máy này là máy tự lắp ráp. Giá nhập khẩu linh kiện rẻ hơn nhập nguyên chiếc nên nhiều người mua linh kiện về lắp ráp rồi bán. Chất lượng thì phải tùy vào những linh kiện lắp đặt và đây cũng là điều kiện để hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường. Khách hàng nên tìm đến các cửa hàng uy tín, có thương hiệu để mua” - chủ đại lý này cho hay.

Vì nguồn nước sinh hoạt của gia đình luôn xuất hiện vẩn đục nên bà Âu Thị Thức (tổ 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên) quyết định tìm mua máy lọc nước. Thế nhưng, khi đến một trung tâm thương mại, bà Thức không biết máy nào là của Việt Nam, máy nào là hàng nhập khẩu và đâu là hàng liên doanh, chủ yếu là nghe người bán giới thiệu. Bà Thức thắc mắc, nghe tư vấn thì loại nào cũng tốt, rất khó lựa chọn, có những thương hiệu chưa thấy quảng cáo bao giờ, nhưng giá cũng ngang ngửa với thương hiệu nổi tiếng…

Còn theo ông Nguyễn Trọng Sửu (ở ngõ 33 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), hiện gia đình đang sử dụng máy lọc nước sản xuất trong nước, nhưng không biết chất lượng có bảo đảm hay không. Bởi lẽ, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất máy lọc nước giả tại Hà Nội, khiến người tiêu dùng bất an. “Máy lọc nước không bảo đảm chất lượng, quy chuẩn sẽ cho ra sản phẩm không an toàn, không khác gì thực phẩm “bẩn”, làm tổn hại sức khỏe của cộng đồng” - ông Sửu lo lắng.

Phải kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi lọc

Tại buổi lễ công bố các công trình nghiên cứu khoa học về xử lý nước sinh hoạt vừa diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Ngọc Duy, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, nguồn nước ngầm ở một số nơi bị ô nhiễm các chất như: Sắt, Mangan, Amoni, Calci, Asen, Nitrit…. Trong đó, nếu nguồn nước nhiễm Asen, Nitrit rất độc đối với sức khỏe con người. Gia đoạn 2016-2017, Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) phối hợp với Phòng Chuyên gia nước (Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Enterbuy Việt Nam), Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học - Công nghệ) tiến hành lấy hơn 500 mẫu nước trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Kết quả, nơi ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất, nặng nề nhất là khu vực phía Nam Hà Nội, giáp với tỉnh Hà Nam.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Duy, công nghệ đang được ứng dụng để xử lý nước ngầm ở nước ta đã có từ lâu và chỉ xử lý hiệu quả đối với sắt, còn các tạp chất khác chỉ loại được một phần. Vì vậy, nhiều người muốn mua máy lọc nước để tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Thế nhưng, với “ma trận” máy lọc nước như hiện nay và sự thật - giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó có thể biết đâu là máy lọc nước bảo đảm chất lượng. Do đó, họ chỉ biết mua theo cảm tính, dựa vào lời quảng cáo từ các nhãn hàng. Một vấn đề quan trọng nhưng bị bỏ qua, đó là muốn lọc nước đạt hiệu quả, nguồn nước phải được kiểm tra để phát hiện ô nhiễm tạp chất gì, từ đó mới chọn loại máy lọc phù hợp. Bởi mỗi loại máy lọc sẽ có tác dụng với từng loại tạp chất nhất định. Không phải loại máy nào cũng lọc được 100% các tạp chất tồn tại trong nguồn nước.

“Chẳng hạn như dựa vào kết quả nghiên cứu từ hơn 500 mẫu nước trong thời gian qua, chúng tôi đã lập ra bản đồ ô nhiễm một số chỉ tiêu trong nguồn nước tại Hà Nội. Tại đây, các chỉ tiêu nước ô nhiễm các tạp chất là Amoni và Asen vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt an toàn hay chỉ định loại máy lọc nước tối ưu cho hàng nghìn người dân theo quy chuẩn của Bộ Y tế” - Tiến sĩ Vũ Ngọc Duy cho biết.

Còn theo Tiến sĩ Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe - Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), người tiêu dùng cần lưu ý, khi mua phải chọn hàng chính hãng, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Mặt khác, khi chọn mua, gia đình cần kiểm tra chứng nhận xem chất lượng nước sau lọc có đạt Quy chuẩn quốc gia đối với nước uống trực tiếp (hay còn gọi là Quy chuẩn quốc gia đối với nước đóng chai và nước uống tinh khiết - QCVN 6-1:2010/BYT) hay không. Sau khi lọc nước cũng cần mang nguồn nước đó đi kiểm định chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền mất, tật mang!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.