Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề cho sự thành công

Chí Kiên| 06/01/2018 06:36

(HNM) - Năm 2017, công tác dân vận ở Hà Nội đã thu được những kết quả rõ nét và thực chất. Với sự quan tâm đúng mức và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác này đã góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.


Điều đó được thể hiện rõ bằng việc hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch làm việc, định hướng nội dung, phương thức hoạt động cụ thể, chi tiết, hướng mạnh về cơ sở. Nổi bật là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân. Từ đó, đã hình thành nhiều mô hình hay, tấm gương sáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, những vấn đề sát sườn với người dân như cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh... được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thực chất.

Việc nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, giải quyết kịp thời, thỏa đáng vấn đề bức xúc, việc khó nảy sinh từ thực tiễn cũng được chú trọng, làm bài bàn và có chiều sâu. Thông qua việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân được nhiều địa phương thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, góp phần tăng cường, phát huy dân chủ ở cơ sở, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện đồng bộ, sâu rộng đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm, qua đó giúp các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả bền vững.

Có thể khẳng định, những nỗ lực trên góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố năm qua.

Trong thời gian tới, Thủ đô và đất nước đang có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi công tác dân vận cần được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trước tiên ngành Dân vận thành phố cần tham mưu với cấp ủy Đảng cùng cấp thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy ngày 25-5-2017 ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.

Với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sát thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn và từng người dân của hệ thống dân vận của thành phố là cần thiết. Đối với đội ngũ cán bộ dân vận, cần tập trung xây dựng và thực hiện tác phong công tác “trọng dân, gần dân”; bên cạnh việc tiếp tục chăm lo, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân vận cơ sở để bảo đảm vừa “hồng” vừa “chuyên”, chú trọng kỹ năng vận động quần chúng khéo léo, thu hút…

Cùng với đó, ngành Dân vận Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 12-CT/TU của Thành ủy về Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.

Bám sát dân, lắng nghe dân, giải quyết nhu cầu của dân - khi hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở phát huy được vai trò của mình sẽ tạo tiền đề cho sự đồng thuận của người dân, góp phần quan trọng thực hiện thành công những mục tiêu phát triển thành phố thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề cho sự thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.