(HNM) - Những ngày vừa qua, thông tin liên quan tới việc nhiều trẻ phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin ComBE Five đã khiến không ít phụ huynh lo lắng, thậm chí trì hoãn việc cho trẻ đi tiêm.
Phản ứng sau tiêm là bình thường
Tại Hà Nội, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai tiêm vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem với hơn 13 nghìn trẻ được tiêm. 3,5% số trẻ đã được tiêm gặp phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm... Ngoài ra, tại huyện Ứng Hòa có 10 trường hợp phải vào Bệnh viện Đa khoa Vân Đình điều trị; 2 trường hợp ở huyện Quốc Oai và huyện Mê Linh phản ứng nặng (mức độ 1), được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Đặc biệt, tuần qua, một bé gái 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra hoạt động tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội. |
Những thông tin nói trên khiến nhiều phụ huynh e ngại. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (32 tuổi, ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên) cho biết con trai chị được gần 4 tháng tuổi, độ tuổi phải tiêm vắc xin “5 trong 1”. Để yên tâm, chị quyết định bỏ ra khoản tiền không nhỏ (hơn 15 triệu đồng) để đăng ký gói tiêm chủng dịch vụ từ 0 đến 24 tháng tuổi tại một bệnh viện tư.
“Tiêm vắc xin dịch vụ thì có cảm giác yên tâm hơn. Hơn nữa, khi đăng ký gói tiêm này, tôi không còn lo lắng mỗi khi thị trường khan hiếm vắc xin”, chị Nguyễn Thị Quỳnh nói.
Nhiều bà mẹ cầm trên tay thông báo tiêm chủng vắc xin ComBE Five nhưng vẫn băn khoăn, không biết có nên cho con mình đi tiêm hay không. Theo chị Lê Huyền (31 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội), dù con trai phải tiêm vắc xin ComBE Five trong tháng 1-2019 nhưng vì lo ngại biến chứng sau tiêm nên chị vẫn trì hoãn, chưa cho con đi tiêm…
Trước thực tế nêu trên, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Vắc xin cũng như thuốc, thực phẩm, có thể gây phản ứng dị ứng.
Tuy nhiên, đến nay, vắc xin vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Năm 2013, sau khi có những lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng, việc tiêm vắc xin Quinvaxem chững lại. Hậu quả là vào năm 2014, số trẻ mắc bệnh ho gà tăng mạnh; dịch sởi cũng bùng phát, khiến hơn 140 trẻ tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương - nơi mỗi năm tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân cấp cứu vì các bệnh truyền nhiễm - cho rằng, với một người không được tiêm vắc xin, muốn miễn dịch thì trước hết người đó phải mắc bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì một số người sau khi mắc bệnh đã tử vong hoặc bệnh để lại di chứng nặng trước khi người bệnh có miễn dịch. Chẳng hạn, với bệnh đậu mùa thì khi chưa có vắc xin, cứ 100 người mắc bệnh sẽ có 30 người tử vong và 70 người có được miễn dịch.
Trong khi đó, khi tiêm vắc xin, tỷ lệ miễn dịch cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, cần lưu ý rằng với nhiều loại bệnh, kể cả đã nhiễm bệnh thì sau đó vẫn không có miễn dịch, như: Viêm phổi do phế cầu, viêm màng não do Haemophilus hoặc bệnh uốn ván…
Tăng cường khám sàng lọc, xử lý tình huống kịp thời
Để hạn chế phản ứng sau tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, khi đưa con đi tiêm vắc xin, phụ huynh cần mô tả kỹ về tình trạng sức khỏe của trẻ với bác sĩ, cán bộ tiêm chủng để được tư vấn đúng. Với vắc xin ComBE Five nói riêng và các loại vắc xin khác nói chung, nếu trẻ từng có phản ứng nặng ở lần tiêm chủng trước thì các bà mẹ cần chia sẻ điều đó với cán bộ y tế để được tư vấn sử dụng loại vắc xin khác có thành phần tương tự. Với các trường hợp đến ngày tiêm mà bị ốm, ho, sốt… thì phải hoãn tiêm.
Còn theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trẻ cần được cán bộ y tế khám sàng lọc thật kỹ xem có đủ điều kiện được tiêm hay không. Sau khi tiêm, cần cho trẻ lưu lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi. Khi về nhà, phụ huynh phải theo dõi kỹ, nếu thấy trẻ sốt trên 38,5 độ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, đặc biệt là có các dấu hiệu như bỏ bú, khó thở, tím tái thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Thông thường, các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi kỹ kể cả khi ngủ.
Sau khi xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm ComBE Five, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng. Chỉ những cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử lý cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả cơ sở tiêm chủng phải có phác đồ xử lý phản vệ và niêm yết công khai thông tin về phác đồ tại điểm tiêm chủng.
Ngoài ra, cần thực hiện việc cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử lý tình huống sau tiêm chủng, nhất là tại những trạm y tế không có bác sĩ.
Sắp tới, ngành Y tế sẽ bổ sung một loại vắc xin “5 trong 1” vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vắc xin mới này sẽ được tiêm đồng thời với vắc xin ComBE Five. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.