(HNM) - Việt Nam (VN) hiện có sản phẩm thủy sản tại 160 quốc gia trên thế giới và được xếp vào tốp 6 nước có nền xuất khẩu (XK) thủy sản lớn nhất toàn cầu. Năm 2011, ngành thủy sản đề ra mục tiêu XK đạt 5 tỷ USD.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Godaco (Tiền Giang). Ảnh: Huy Hùng
Năm 2010, ngành thủy sản VN đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các mặt hàng chủ lực là cá tra, tôm, cá rô phi đều bị đưa vào danh sách đỏ tại 6 nước châu Âu. Bên cạnh đó, cạnh tranh thương mại với nhiều chiêu phá giá, đánh thuế cao, cho là sản phẩm không bảo đảm vệ sinh… cũng khiến con cá, con tôm VN long đong trên thị trường thế giới. Gần đây, tại thị trường truyền thống Nhật Bản, việc các lô hàng XK thủy sản VN có chứa hoạt chất trifluralin vượt mức cho phép đã làm cho nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng thủy sản VN giảm mạnh. Ngoài ra, một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines đã mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh ấy, thị trường XK thủy sản VN có nhiều khả năng bị thu hẹp nếu không sớm có chiến lược.
Song song với những khó khăn trên, sản xuất thủy sản trong nước cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết, ngành thủy sản đang thiếu công nhân có trình độ hiểu biết, tác phong công nghiệp từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Nếu không sớm đào tạo đội ngũ nuôi thủy sản có trình độ thì việc các mặt hàng thủy sản VN bị bỏ rơi là điều khó tránh khỏi. Điều đáng quan tâm nữa là nguồn nguyên liệu để sản xuất luôn thiếu. Năm 2010, lần đầu tiên XK tôm của VN vượt qua con số 2 tỷ USD. Hiện, các mặt hàng tôm có mặt tại 92 thị trường, tăng 10 thị trường so với các năm trước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguyên liệu đã dẫn tới giá tôm nguyên liệu tăng mạnh. Một số nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất, một số khác phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay, năm tới tình trạng thiếu nguyên liệu cho ngành tôm sẽ tiếp tục tái diễn. Nguyên nhân do người nuôi chưa bám sát nhu cầu và đáp ứng kịp thời cho XK. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, song thách thức lớn nhất trong năm 2011 của ngành thủy sản là vốn. Nếu có nguồn vốn kịp thời người nuôi và sản xuất thủy sản sẽ rơi vào tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy mô, khó tiếp cận khoa học kỹ thuật. Ngành thủy sản kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách cho vay vốn hợp lý, căn cứ vào năng lực từng doanh nghiệp XK và chế biến.
Để ngành thủy sản “vững tay chèo”
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất và XK, mới đây Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản đưa ra kịch bản phát triển ngành chế biến thủy sản VN trong 10 năm tới. Theo kịch bản, kim ngạch XK thủy sản giai đoạn 2011-2015, mỗi năm sẽ đạt 6,5 tỷ USD tương đương với sản lượng 1.620 ngàn tấn. Đến giai đoạn 5 năm tiếp theo, giá trị kim ngạch XK và sản lượng chế biến XK cũng tăng lên tương ứng, đạt 8 tỷ USD và 1.900 ngàn tấn/năm. Theo bà Trần Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch thủy sản, việc ngành thủy sản phải làm bây giờ là đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản, xây dựng kho lạnh sản xuất và thương mại, Nhà nước cần bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến. Ngành thủy sản cần duy trì tốc độ XK như hiện nay vào các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU. Theo dự báo, đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường này sẽ tăng cao. Ngoài ra, khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tăng, người tiêu dùng sẽ chuyển sang chọn các sản phẩm thủy sản. Trong giai đoạn 2011-2020, tôm, cá tra và nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) đông lạnh vẫn là nhóm sản phẩm quan trọng trong cơ cấu sản lượng các sản phẩm thủy sản XK của VN, chiếm 80%. Ngoài các sản phẩm chủ lực, ngành thủy sản đang mở rộng nhiều sản phẩm mới. Trong giai đoạn này, cá chẽm và cá rô phi sẽ được bổ sung vào danh mục sản phẩm XK. Dự kiến đến năm 2015, sản lượng cá rô phi XK đạt 30.000 tấn, giá trị kim ngạch đạt 80 triệu USD.
Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng, để ngành thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững phải quy hoạch các nhà máy chế biến theo vùng kinh tế. Các nhà máy chế biến thủy sản sẽ gắn với vùng nguyên liệu và các trung tâm công nghiệp chế biến của các vùng. Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, các nhà máy sẽ đặt ở Hải Phòng, nơi có các cảng biển, thuận lợi cho việc vận chuyển, đồng thời có thể tập trung đầu tư kho lạnh thương mại. Đối với vùng Đông Nam bộ, cần xây dựng thêm khoảng 10-12 nhà máy có công suất 4.000-5.000 tấn/năm, với hiệu suất sử dụng thiết bị duy trì ở mức 90%, nhằm bảo đảm quy hoạch sản lượng XK. Đến năm 2020, cần đầu tư mới nhà máy có công suất khoảng 5.000 tấn/năm ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để giải quyết các vấn đề về nuôi thủy sản, cần ngăn chặn ngay tình trạng phát triển nuôi tràn lan không hiệu quả, đặc biệt là không quản lý được chất lượng con giống, môi trường nuôi, làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả sản xuất; chỉ như vậy mới gây dựng được thương hiệu của ngành thủy sản VN trên thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.