(HNM) -Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và số dân có thu nhập cao khá lớn. Theo nhận định của Tạp chí The Hindu Business Line, những năm trở lại đây, các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Campuchia đang dần trở thành điểm đến của người dân Ấn Độ.
Khách Ấn Độ đến Việt Nam còn quá ít
Với 1,27 tỷ dân, nếu năm 2000, Ấn Độ mới có 4,4 triệu dân đi du lịch nước ngoài thì đến năm 2012, 2013, con số này đã tăng lên gần 15 triệu người. Theo Bộ Du lịch Ấn Độ, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Vì thế, đây là thị trường khách hàng đầu thế giới mà không một quốc gia làm du lịch nào có thể bỏ qua. Không chỉ có vậy, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Ấn Độ ngày càng chứng tỏ là một thị trường khách quan trọng đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi hằng năm có tới 2,5 triệu người Ấn Độ sang các nước ASEAN. Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cho biết, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng do đất nước này có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam trong nhiều năm qua, dân số đông và có nhiều phân khúc khách, cả cao cấp lẫn bình dân. Mặt khác, Ấn Độ và Việt Nam có khá nhiều nét gần gũi về mặt tín ngưỡng, văn hóa nên có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác du lịch.
Khách Ấn Độ đến Việt Nam du lịch vẫn còn quá ít. Ảnh: Linh Ngọc |
Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Luxury Travel Phạm Hà cho biết, khách du lịch Ấn Độ đều thuộc giới trung lưu trở lên. Sang Việt Nam, họ thường nghỉ ở khách sạn 4-5 sao, mua sắm nhiều. Khách thích biển, các di sản nổi tiếng và nền văn hóa Việt Nam. Theo khảo sát của công ty tại hội chợ du lịch Ấn Độ diễn ra gần đây, nhiều đôi vợ chồng trẻ người Ấn Độ đang có xu hướng sang Việt Nam làm lễ cưới ở khu nghỉ dưỡng biển, kết hợp nghỉ trăng mật.
Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng khách du lịch Ấn Độ khách sang Việt Nam lại chiếm con số quá khiêm tốn. Theo thống kê thường kỳ của Tổng cục Du lịch thì khách Ấn Độ không được xếp trong danh sách 29 thị trường khách lớn nhất của Việt Nam. Khách Ấn Độ tới Việt Nam chủ yếu là khách công vụ, thương gia và các nhà đầu tư, khách đến du lịch và nghỉ dưỡng còn rất ít. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đây là điều đáng để ngành du lịch hai quốc gia suy ngẫm, bởi Ấn Độ và Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác về du lịch ở cấp Chính phủ từ năm 2001.
Khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm"
Theo lý giải của nhiều đơn vị lữ hành, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam còn hạn chế là bởi thông tin về Việt Nam đến với du khách Ấn Độ quá ít, chế độ xin thị thực còn rườm rà. Bên cạnh đó, chi phí tour đến Việt Nam cao hơn so với các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan, việc đi lại không thuận tiện do chưa có đường bay thẳng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên nhân chính là ngành du lịch cả hai nước còn chưa thực sự chủ động phối hợp, tìm hiểu về nhau, chưa tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch. Do vậy, thông tin về sản phẩm du lịch, các điểm du lịch không đến được với du khách, đồng thời cả hai bên đều thiếu những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu, thói quen và sở thích của du khách hai nước.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours cho biết: "Nếu đã chinh phục được khách Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ thì bạn hoàn toàn có thể tự tin rằng sẽ làm hài lòng tất cả du khách trên thế giới". Như vậy có thể thấy việc chinh phục khách Ấn Độ không phải dễ làm. Khách Ấn Độ không khắt khe về giá nhưng đòi hỏi chất lượng dịch vụ bảo đảm. Mặt khác, người Ấn Độ theo đạo Hindu, áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng, do vậy việc lên thực đơn, lựa chọn nhà hàng cũng là một điều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Hà Nội chỉ có 3 nhà hàng, khách sạn phục vụ khách Ấn Độ.
Một khó khăn nữa của doanh nghiệp là hầu hết các đơn vị lữ hành hiện nay đều tự đứng ra quảng bá, xúc tiến du lịch thị trường Ấn Độ mà không có sự hỗ trợ từ phía Tổng cục Du lịch. Điều này đã dẫn đến tình trạng "mạnh ai lấy làm", manh mún và chưa đồng bộ. Mặt khác, thông điệp quảng cáo của mỗi công ty khác nhau nên dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin.
Theo ông Phạm Thế Phong, đại diện Công ty Vietrantour, để thúc đẩy lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành triển khai các chương trình quảng cáo, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, điểm đến của Việt Nam với khách Ấn Độ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành tiếp thị sản phẩm du lịch tới du khách Ấn Độ. Đồng thời, cần đầu tư các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch: Khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi giải trí... phù hợp với thị hiếu của du khách Ấn Độ.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đã xác định: Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng cần mở rộng và phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ xây dựng đề án hướng tới nghiên cứu nhu cầu, điều kiện của khách Ấn Độ, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không trong và ngoài nước kết nối để việc đi lại giữa hai nước được thuận tiện. Dự kiến đề án sẽ được triển khai năm 2015, hy vọng với đề án này khách du lịch Ấn Độ vào Việt Nam sẽ gia tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.