(HNM) - Kinh doanh trực tuyến (online) đang ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, bởi những tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc giao dịch online vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà phần thiệt luôn thuộc về người tiêu dùng.
Giao dịch bằng niềm tin
Nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng tăng cao đã thúc đẩy kênh kinh doanh hiện đại này phát triển ngày càng mạnh. Nhiều doanh nghiệp sử dụng website như công cụ hỗ trợ hữu ích cho kênh bán hàng truyền thống và đạt được hiệu quả khả quan. Anh Nguyễn Đức Trung, quản lý một cửa hàng thời trang trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngoài shop bán hàng này, anh còn có hai website bán hàng qua mạng internet và một trang fanpage phục vụ kinh doanh qua mạng xã hội. Để thu hút khách, cửa hàng có chính sách cho phép khách thử đồ, đổi trả, vừa ý mới thanh toán. Nhờ vậy, doanh số bán hàng online chiếm tới gần 70% doanh số của cửa hàng.
Hà Nội tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ chất lượng. Ảnh: Khánh Huy |
Tuy nhiên, dù là kênh kinh doanh hiện đại với nhiều tiện ích như chỉ cần giao dịch qua các trang bán hàng, được giao hàng tận nơi, nhận hàng mới thanh toán… nhưng việc mua - bán chủ yếu dựa vào niềm tin nên phần lớn người tiêu dùng mua hàng theo kiểu hên - xui. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (quận Hai Bà Trưng) đặt mua một chiếc chảo nhỏ thương hiệu Rössler giá hơn 1 triệu đồng của cửa hàng chuyên bán "hàng xách tay" Đức-Onlineshop (tại phố Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng). Song, chỉ sau ba lần rán, chiếc chảo đã bị dính không thể sử dụng tiếp...
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 5.259 website thương mại điện tử (TMĐT) được tổ chức, cá nhân thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số website đang hoạt động trên địa bàn. Điều đó đồng nghĩa những website TMĐT chưa làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương đều đang vi phạm Điều 27 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT. Hơn nữa, các website vi phạm vẫn hoạt động dưới hình thức TMĐT, nên các giao dịch trực tuyến cũng như hàng hóa được rao bán trên các trang này khó được bảo đảm.
Vẫn khó quản lý
Đánh giá về những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động TMĐT, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, các cơ quan chức năng mới chỉ quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các website hoạt động dưới dạng TMĐT, trong khi các trang fanpage, facebook… được tận dụng để giao dịch mua bán hàng hóa hiện có số lượng rất lớn. Hàng hóa được rao bán qua các kênh này thường không có hóa đơn, phiếu mua hàng, chất lượng sản phẩm không được kiểm chứng, độ rủi ro trong giao dịch trực tuyến cũng theo đó tăng lên.
Mặt khác, các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, do đó cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Các nhà cung cấp dịch vụ như Gmail, Yahoo, Hotmail… thường là các công ty nước ngoài, không có văn phòng đại diện đặt ở Việt Nam; đối tượng lập nhiều địa chỉ mail với các thông tin đăng ký giả mạo, sử dụng mail trong thời gian ngắn… khiến việc xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2016, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố, xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ vi phạm pháp luật TMĐT, số tiền thu nộp ngân sách 509 triệu đồng.
Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; số lượng website TMĐT hoạt động đúng quy định chiếm 20% tổng số đang hoạt động của địa phương; phấn đấu 70% số người sử dụng internet của Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm trực tuyến có lắp thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán… Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT, ông Lê Hồng Thăng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nắm rõ quy định luật pháp về TMĐT.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các doanh nghiệp, cá nhân sở hữu website TMĐT chấp hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương và thực hiện hoạt động đúng pháp luật liên quan đến TMĐT; tiếp tục thực hiện giám sát trực tuyến, đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này... cũng là những giải pháp quan trọng Sở Công Thương sẽ thực hiện trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.