Bạn đọc

Lừa đảo mua hàng trực tuyến: Ngày càng đáng báo động

Kim Vũ 06/11/2024 - 12:06

Thời gian gần đây, nhiều tài khoản bán hàng trên mạng xã hội liên tục đăng cảnh báo về tình trạng bị các đối tượng lừa đảo mạo danh tên, số tài khoản để nhắn tin cho khách hàng chốt đơn, sau đó chuyển đến sản phẩm chất lượng kém hoặc không chuyển. Khi khách hàng khiếu nại thì mới vỡ lẽ là bị lừa. Tình trạng này trở nên đáng báo động khi việc mua bán hàng trực tuyến khá phổ biến như hiện nay.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Những tình huống lừa đảo xuất phát từ việc khách hàng để lại số điện thoại, địa chỉ giao hàng tại mỗi bài đăng bán hàng hoặc phiên bán hàng trực tuyến - livestream. Từ đó, các đối tượng lừa đảo đã lập tài khoản Facebook,TikTok, Zalo mạo danh tên cửa hàng để nhắn tin với khách hàng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn lập tài khoản ngân hàng trùng tên chủ cửa hàng để tăng độ tin tưởng cho khách...

Bức xúc vì bị mạo danh, tài khoản Facebook Hằng Nguyễn - chuyên kinh doanh quần áo cho biết, gần đây, một khách hàng quen của chị nhắn có người xưng là nhân viên của cửa hàng yêu cầu phải chuyển khoản trước nên khách hàng này đã chuyển 300.000 đồng. Sau đó, lợi dụng quan hệ thân thiết với cửa hàng, đối tượng còn nhắn tin vay khách hàng 2 triệu đồng. Nghi ngờ nên khách hàng đã hỏi trực tiếp chủ cửa hàng thì mới biết mình bị lừa.

anh-lua-online.jpg
Hãy cẩn trọng khi mua hàng qua mạng. Ảnh: VD

Cùng mối lo, chủ tài khoản Facebook Diệu Linh đã nêu bật dòng cảnh báo trên mỗi bài đăng về tình trạng lừa đảo này, thông báo chỉ trả hàng duy nhất qua 1 tài khoản Facebook, đề nghị khách hàng kiểm tra kỹ số tài khoản mà chủ cửa hàng đã ghim tại bài viết. Chị Diệu Linh chia sẻ về trường hợp đáng buồn khi một khách hàng vừa chuyển 1 triệu đồng cho số điện thoại mạo danh cửa hàng, rồi nhận lại món hàng bên trong chỉ có vải vụn thay vì bộ quần áo thể thao. Hình thức mạo danh của các đối tượng là nhắn tin cho khách hàng báo đơn và thông báo sẽ miễn phí vận chuyển để khách hàng chuyển khoản trước. Số tài khoản thì được đăng ký giống hệt tên chủ cửa hàng.

Một cách lừa đảo tinh vi nữa là đối tượng lừa đảo mạo danh cửa hàng nhắn tin cho khách hàng rằng cửa hàng đang có chương trình tri ân, nếu khách hàng chuyển khoản trước thì được tặng quà có giá trị. Do tính toán giá trị quà tặng là một chiếc xe đạp giá thị trường gần 1 triệu đồng, chị Nguyễn Huyền Trang (ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình) đã không ngần ngại chuyển khoản 2,5 triệu đồng cho đơn hàng mỹ phẩm mua qua mạng xã hội. Sau khi chuyển khoản 3 ngày mà không nhận được đơn hàng và quà tặng như đã hứa, chị Trang điện thoại lại thì đã bị chặn. Chị nhắn tin cho chủ cửa hàng thì mới biết cửa hàng chưa bao giờ có chương trình tặng quà tri ân, cũng không yêu cầu khách chuyển khoản tiền trước. Lúc biết bị lừa thì chị Trang đã mất trắng 2,5 triệu đồng.

Cẩn trọng để không mất tiền oan

Thực tế, có nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng đang được cảnh báo mỗi ngày. Gần đây nhất, ngày 10-10, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) công bố đã bắt giữ đối tượng Phan Hữu Huy (sinh năm 2004, trú ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vì sử dụng tài khoản Facebook "Trinh Trinh" để thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều thủ đoạn. Trong đó, đối tượng giả mạo cửa hàng tặng điện thoại di động để chiếm dụng tiền của nạn nhân từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đã thông báo đến các cá nhân là nạn nhân của Huy để giải quyết theo quy định của pháp luật. Cục cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, số tài khoản ngân hàng cho người khác - người không có trách nhiệm, thẩm quyền. Trường hợp người dân nghi ngờ bị lừa đảo thì dừng ngay các giao dịch, trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn và giải quyết theo quy định của pháp luật.


Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) thường xuyên khuyến cáo người mua hàng cần cẩn trọng, kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi chuyển tiền. Người mua nên sử dụng dịch vụ thanh toán khi nhận hàng và kiểm tra hàng thật kỹ trước khi nhận để tránh bị lừa đảo. Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để được giải quyết kịp thời. Còn với người bán, cần công khai thông tin về địa chỉ, điện thoại, tài khoản giao dịch mua bán; hạn chế chốt đơn thông qua bình luận trực tiếp trên trang mạng xã hội.

Luật sư Nguyễn Xuân Toán, Công ty luật Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì cá nhân có hành vi lừa đảo thông qua môi trường không gian mạng mà không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt ở mức từ 2-5 triệu đồng. Còn với những thủ đoạn lừa đảo với số tiền lớn (trên 2 triệu đồng) và quy mô thì được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tùy vào tính chất, mức độ phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Hiện tượng lừa đảo mua hàng trực tuyến không mới nhưng vẫn liên tục diễn ra, ngày càng đáng báo động. Nguyên nhân là do khách hàng nhẹ dạ cả tin, vô tình tiếp tay cho các hành vi gian dối. Do vậy, mỗi người tiêu dùng hãy là những khách hàng thông thái để không rơi vào những tình huống mất tiền oan đã được cảnh báo trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo mua hàng trực tuyến: Ngày càng đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.