(HNM) - Hội Người mù huyện Hoài Đức thành lập năm 1982. Ban đầu Hội chỉ có 14 hội viên và nơi làm việc là căn phòng nhỏ được Phòng LĐ-TB&XH huyện cho mượn tạm.
Không có kinh phí, không trụ sở làm việc, ngày ngày ban lãnh đạo hội là những người khiếm thị cao tuổi chống gậy đi vận động người khiếm thị trên địa bàn tham gia sinh hoạt, "năn nỉ" hội viên học chữ nổi. Hồi đó ở Hoài Đức, hội viên chỉ biết làm đinh là nghề duy nhất và cuộc sống của họ hết sức nghèo khổ.
Hội viên Hội Người mù huyện Hoài Đức đón nhận sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. |
Từ sau năm 1990, Hội mới xin được trụ sở làm việc và bắt đầu tổ chức được các lớp học chữ, học nghề. Trong thời điểm này, Hợp tác xã 19-5 của Hội hoạt động khá hiệu quả. Hằng năm sản xuất được hàng vạn gói tăm tre, hàng nghìn chiếc chổi các loại, tạo việc làm cho 29 xã viên.
Anh Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hoài Đức cho biết, từ năm 1995 đến nay, Hội đã xây dựng được hệ thống các chi hội tới từng xã, thị trấn và giữ thông tin liên lạc thường xuyên tới từng chi hội. Hội mở được nhiều lớp học xóa mù chữ cho hơn 100 hội viên; hỗ trợ 14 em khiếm thị vào học ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Hiện có 4 hội viên đã tốt nghiệp đại học, 8 hội viên tốt nghiệp THPT và 17 hội viên đã học xong bậc THCS.
Chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho hội viên là nhiệm vụ được Hội Người mù huyện Hoài Đức thường xuyên duy trì và đẩy mạnh. Trong nhiều năm qua, Hội đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đào được 35 giếng nước, xây dựng 27 nhà vệ sinh tự hoại, sửa chữa và xây mới 20 ngôi nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế gia đình, Hội đã đứng ra tín chấp và thẩm định cho 102 hội viên vay 834 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội mở được nhiều lớp dạy các nghề làm tăm, chổi, mây tre đan và khuyến nông cho hơn 100 lượt hội viên. Nhiều hội viên sau khi được Hội cử đi học các lớp xoa bóp, bấm huyệt, tin học do Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng, Hội Người mù Hà Nội tổ chức đã trở về địa phương tự đứng ra thành lập cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, trung tâm sửa chữa tin học, không chỉ bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình mà còn tạo được việc làm cho nhiều người cùng cảnh.
Đầu năm 2010, Hội được UBND huyện Hoài Đức cấp 150 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc và được Tổ chức Phụ nữ quốc tế tài trợ 70 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ việc mở trung tâm xoa bóp, bấm huyệt. Sau gần 2 năm, trung tâm này hoạt động khá ổn định, bước đầu tạo việc làm cho 6 hội viên với mức thu nhập hằng tháng từ 1,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Đời sống không ngừng được cải thiện, nâng cao về vật chất và tinh thần, hội viên phấn khởi tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vào tổ chức hội và có niềm tin vào khả năng của bản thân, vào sự giúp đỡ hỗ trợ của cộng đồng.
Nhiều năm liền, Hội Người mù huyện Hoài Đức luôn là một trong những đơn vị đứng đầu trong phong trào thi đua của tỉnh Hà Tây cũ. Năm 2002, Hội được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.