(HNMO) - Ngày 28-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 17 đến 24-3), số ca mắc thủy đậu và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Điều đáng nói là tại các bệnh viện đã ghi nhận những chùm ca bệnh trong cùng một gia đình và một số trường hợp tái phát bệnh.
Vì sao tái phát bệnh thủy đậu?
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận trên địa bàn Hà Nội trong đầu năm 2023 tăng cao. Cụ thể, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 16 trường hợp so với tuần trước đó).
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca).
Không chỉ trẻ nhỏ, mà thời điểm này, tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận những chùm ca thủy đậu như trẻ nhỏ lây bệnh ở lớp học, sau đó, khi về nhà, những trẻ này lại lây bệnh sang cho bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn thời kỳ ủ bệnh. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho cả nhà là rất cao. Gần như trong nhà có người mắc bệnh thủy đậu thì nhiều người trong nhà bị lây nhiễm và trong lớp có học sinh mắc thủy đậu thì nhiều bạn trong lớp cũng nhiễm bệnh.
“Với bệnh này, trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu thì lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm”, bác sĩ Phạm Thị Thảo lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng cho hay, tại đây đã tiếp nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đáng lưu ý có một số trường hợp tái mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, rất hiếm trường hợp bị tái mắc bệnh thủy đậu. Bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, vi rút gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, một khi hệ miễn dịch con người suy yếu, vi rút sẽ hoạt động trở lại.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, vi rút thủy đậu có thể vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (dạng ngủ). Thậm chí 10, 20 hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể yếu hoặc mắc một số bệnh nhất định, vi rút gây bệnh thủy đậu sẽ tái hoạt động và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là bệnh giời leo).
Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thủy đậu bội nhiễm là hiện tượng nốt thủy đậu mưng mủ, ngứa, đau và lâu lành, có thể dẫn đến hoại tử, lở loét da, gây viêm thanh quản, viêm tai, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu... Khi những nốt thủy đậu này lặn đi cũng rất dễ để lại sẹo, khó phục hồi. Đối với người lớn, tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn nhưng vẫn có nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí tử vong do không có kiến thức phòng ngừa và điều trị.
Sẵn sàng nhân lực, hóa chất phục vụ chống dịch
Không chỉ thủy đậu, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội cũng đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng trong những tháng đầu năm nay phù hợp với xu hướng chung của cả nước. Từ đầu năm 2023 đến ngày 17-3, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Riêng khu vực miền Bắc, theo số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 457 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Trước thực tế trên, CDC Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; đồng thời thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.
“Các đơn vị trong toàn ngành cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, chủ động rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách”, CDC Hà Nội nêu rõ.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy, có thể hiểu rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp vi rút khác nhau. Do đó, theo CDC thành phố, các quận, huyện cần chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao. Ngoài ra, chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Đối với bệnh thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) khuyến cáo, đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.