(HNMO) - Trong những tuần gần đây, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 70-100 ca mắc thuỷ đậu/tuần. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu đầu năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Ngày 21-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 đến 17-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu. Trong khi tuần trước đó, Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 548 ca thuỷ đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).
Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát tán và lây lan. Do đó, theo CDC Hà Nội, số ca mắc thuỷ đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc thuỷ đậu. Khi bệnh thủy đậu khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng nề, gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan.
Nhiều gia đình vẫn quan niệm, bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Hiện nay, các bác sĩ đều khuyến cáo giữ vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Nếu bệnh nhân mắc thủy đậu không giữ gìn vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ sau này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng.
Nếu chăm sóc không đúng cách, ngoài việc nhiễm khuẩn từ các thương tổn da, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng về tim mạch, viêm tinh hoàn, viêm phổi và các biến chứng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não..., dẫn tới tử vong.
Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và để lại sẹo.
Để phòng bệnh, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan.
Ngoài ra, người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.