(HNMO) - Sáng 15-3, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo phiên giải trình của HĐND TP về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị. |
Tham dự phiên giải trình có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; đồng chí Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cùng đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP, lãnh đạo các ban đảng, Văn phòng Thành ủy, Đoàn ĐBQH TP, HĐND, UBND, giám đốc các sở ngành...
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến lý do lựa chọn nội dung cho phiên giải trình bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá, là biểu tượng của đất nước trong mở rộng quan hệ đối ngoại. Xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch là việc làm quan trọng và cần thiết. Nội dung phát triển văn hoá xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch là một trong 8 nội dung chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.
Nội dung xây dựng người Hà Nội được triển khai qua nhiều thời kỳ, có nhiều giải pháp thực hiện, tạo bước đột phá trong xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch mà cán bộ công chức viên chức phải gương mẫu đi đầu nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn; vẫn còn một số vi phạm gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng bạo lực gia đình, cách ứng xử vô cảm, mê tín dị đoan tại lễ hội vẫn diễn ra.
Ngoài ra, qua giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy hơn 40% kiến nghị của cử tri liên quan đến xây dựng người Hà Nội. Nhiều cử tri tâm huyết với việc xây dựng nét đẹp người Hà Nội xứng đáng với Thủ đô có bề dày văn hiến và mong muốn HĐND giám sát vấn đề này.
Để chuẩn bị cho phiên giải trình và bảo đảm chất lượng, sự đổi mới trong hoạt động của HĐND TP bảo đảm hiệu quả, giám sát tận gốc những tồn tại, khó khăn, HĐND TP đã giao UBND TP, các cơ quan chuyên môn, quận, huyện, thị xã xây dựng và giao các ban HĐND tổ chức khảo sát kết quả thực hiện.
Theo Chủ tịch HĐND TP, nét mới của phiên giải trình là đối tượng giải trình ngoài các thành viên UBND TP, Chủ tịch UBND các quận,huyện, thị xã, còn có Chủ tịch UBND các xã, phường...
Hai quy tắc ứng xử đã bước đầu đi vào cuộc sống
Trả lời câu hỏi đầu tiên tại phiên giải trình của đại biểu Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hoá Xã hội, HĐND thành phố về việc thực hiện hai quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thaocho biết, ngay sau khi Chủ tịch UBND thành phố ký quyết định ban hành hai QTƯX, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện trên toàn thành phố. Sở Văn hoá và Thể thao đã ban hành 6 văn bản hướng dẫn cùng với các ngành khác để triển khai hai QTƯX này.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tô Văn Động trả lời câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Viết Thành |
"Là một trong những thành phố đầu tiên đưa ra được hai QTƯX, việc triển khai trong thời gian đầu rất khó khăn nên để có được sự đồng thuận của nhân dân là kết quả đáng mừng. Năm 2017, việc triển khai hai QTƯX đã trở thành sinh hoạt chính trị rộng khắp thành phố. 100% quận, huyện, thị xã, sở, ngành của thành phố đã triển khai tuyên truyền các nội dung của hai QTƯX. Bước đầu toàn thành phố đã có những chuyển biến rõ nét" - ông Tô Văn Động khẳng định.
Việc triển khai QTƯX nơi công cộng cũng được người dân thực hiện và có một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong thực hiện QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa tạo chuyển biến rõ rệt, tạo nét văn hoá ứng xử và hình ảnh riêng biệt của người Hà Nội; công tác tuyên truyền chưa sinh động; một số cán bộ chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử. Trong thực hiện QTƯX nơi công cộng vẫn còn nhiều hành vi chưa đẹp, chưa nhân văn, chưa vì cộng đồng vẫn diễn ra nơi công cộng, thậm chí có hành vi vi phạm gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Thủ đô... (xem thêm tại đây)
Xin ý kiến thí điểm chế tài xử lý với 114 tình huống
Trả lời câu hỏi của đại biểu Duy Hoàng Dương (Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố) về việc giải quyết các thủ tục hành chính, bao nhiêu hồ sơ quá hạn chưa được giải quyết và bao nhiêu văn bản xin lỗi về lý do quá hạn, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, toàn thành phố thực hiện 100% việc giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức một cửa. Năm 2017, tổng số thủ tục hành chính tiếp nhận trên địa bàn TP là hơn 8 triệu hồ sơ, trong đó khối cơ quan sở, ngành và cấp quận, huyện là hơn 4 triệu hồ sơ (khối sở là hơn 481.000 hồ sơ, cấp huyện hơn 728.000 hồ sơ, cấp xã hơn 2.859.700 hồ sơ)… Tỉ lệ giải quyết đúng hạn là 97,33%, tỉ lệ giải quyết quá hạn là 2,67%, bao gồm 108.672 hồ sơ quá hạn.
Nguyên nhân quá hạn, về khách quan: Một số quy định hiện hành về thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập; các cơ chế giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt về lĩnh vực lao động-xã hội phải liên thông nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều hồ sơ phải giải mã; nhiều hồ sơ về lĩnh vực đầu tư, xây dựng phải xin ý kiến nhiều cơ quan đơn vị, thâm chí xin ý kiến từ cơ quan trung ương…
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng trả lời câu hỏi của đại biểu. |
Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Trần Huy Sáng, do năng lực phẩm chất, ứng xử của nhiều cán bộ chưa tốt; một số sở, ngành chưa quan tâm đến giải quyết thủ tục hành chính… Sự phối hợp giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chưa chặt chẽ; một số cán bộ thiếu ý thức phấn đấu rèn luyện đạo đức lối sống và năng lực công tác. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh công tác rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường kênh thông tin tiếp nhận ý kiến người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Về vấn đề thực hiện văn bản xin lỗi đối với những hồ sơ quá hạn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, nhiều đơn vị thực hiện nghiêm việc lập biên bản xin lỗi trong đó có nói lý do chậm muộn và hẹn ngày trả kết quả.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố chất vấn. |
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố) chất vấn tiếp: Sở Nội vụ được TP giao trách nhiệm xây dựng chế tài xử lý, đến nay công việc xây dựng chế tài đã thực hiện đến đâu? Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các bộ phận một cửa của các sở, ngành thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao?
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng giải trình: Sở đã nghiên cứu dự thảo chế tài với 114 tình huống, tuy nhiên về thẩm quyền ban hành các chế tài lại thuộc cơ quan trung ương. Sở Nội vụ đã báo cáo Thường trực Thành ủy, xin ý kiến trước mắt cho thí điểm trên địa bàn TP.
Về lắp camera, theo ông Trần Huy sáng, việc này đã được thực hiện nhiều năm nay tại các khu vực một cửa. Việc này đã hỗ trợ tích cực trong theo dõi, kiểm soát hành vi ứng xử, thái độ giao tiếp của cán bộ với người dân.
“Để đánh giá sự hài lòng của người dân về thực hiện hai QTƯX sau 1 năm, bước đầu có chuyển biến. Tới đây, khi TP Hà Nội có hệ thống chế tài xử lý, sẽ giúp công chức có hành vi tốt hơn”, ông Trần Huy Sáng trả lời.
Chủ tịch UBND 3 xã, phường giải trình về hành vi ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ
Nét mới của phiên giải trình lần này là lãnh đạo xã, phường để xảy ra vi phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trực tiếp trả lời giải trình về sự việc cụ thể.
Chủ tịch UBND xã Di Trạch Phạm Văn Mạnh. |
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức cho biết, đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người quản lý khi để một số cán bộ chưa chuẩn mực trong thực hiện QTƯX.
Xảy ra tình trạng trên là do một số cán bộ công chức chưa có ý thức tiếp nhận và thực hiện QTƯX đầy đủ. Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan là do thay đổi cán bộ tại bộ phận một cửa tại địa phương.
Sau khi nhận được phản ánh từ đoàn kiểm tra, xã đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh hoạt động của bộ phận một cửa như: Kiện toàn để bổ sung, yêu cầu cán bộ công chức vi phạm phải có báo cáo giải trình và tổ chức kiểm điểm xem xét xử lý để làm gương.
Ngoài ra, xã tiếp tục rà soát và công khai các hoạt động của bộ phận một cửa qua hệ thống loa truyền thanh địa phương như công bố số điện thoại của cán bộ một cửa cũng như của lãnh đạo xã để người dân kịp thời phản ánh các hành vi chưa chuẩn mực của cán bộ địa phương.
"Dù 365 ngày đều làm tốt nhưng chỉ có một giờ, với một việc chưa làm tốt là đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Qua sự việc được phản ánh, chúng tôi xin nghiêm túc rút kinh nghiệm." - Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết, phường đã có quy định, với các thủ tục hành chính nhạy cảm như chứng tử thì cán bộ phường phải làm cả ngày nghỉ, ngày lễ và đã hoàn tất cho 5 trường hợp, trong đó có một trường hợp cử cán bộ đến tận bệnh viện để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn cho người dân.
Sau phát ngôn chưa chuẩn mực của một nữ cán bộ ở bộ phận một cửa được đoàn giám sát của HĐND TP phát hiện ngày 10-1-2018, phường đã đổi vị trí làm việc của nữ cán bộ này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tăng cường giám sát, lắp đặt hệ thống camera và lưu lại trong 48 tiếng để thường xuyên kiểm tra đôn đốc cán bộ về trang phục, giờ giấc làm việc." - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng hậu bày tỏ quyết tâm không để xảy ra sự việc tương tự.
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán, Quốc Oai giải trình tại hội nghị. |
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai cũng bày tỏ nhận thức được sự thiếu sót khi chưa kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 3 nhóm giải pháp khắc phục được nêu ra tại địa phương là nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về QTƯX, trước hết là đội ngũ lãnh đạo; xây dựng quy trình, quy chế, chỉ rõ về công việc, quy trình xử lý và thời gian giải quyết; tăng cường kiểm tra giám sát từ đội ngũ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.
Cũng tại nội dung giải trình đầu tiên về kết quả thực hiện hai QTƯX, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã nêu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế tiêu cực, chấm dứt tình trạng cấp giấy khám sức khoẻ khống cho người có nhu cầu.
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, với nội dung này, đã có 8 lượt đại biểu HĐND TP nêu câu hỏi và 10 lượt ý kiến đại diện cho UBND TP, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, quận, huyện, xã, phường… tham gia làm rõ và giải trình.
Các đại biểu HĐND TP thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, đặt những câu hỏi rõ ràng, bám sát các vấn đề còn ý kiến tranh luận, để chỉ ra tồn tại, hạn chế cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đại diện cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thể hiện sự nghiêm túc, trả lời thẳng thắn vào vấn đề mà đại biểu quan tâm và nhận trách nhiệm của đơn vị mình.
Trên cơ sở đó, một số ý kiến của các đại biểu đã cơ bản giải trình, chỉ ra lộ trình khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện tốt 2 QTƯX này trong thời gian tới.
Mở nhiều lễ hội mới nhằm thu hút khách du lịch
Tình trạng kinh doanh thịt sống, thịt thú rừng còn xảy ra tại lễ hội chùa Hương năm 2018; việc trông giữ phương tiện tại các di tích văn hoá, đình, đền, chùa diễn biến phức tạp; việc đặt hòm công đức và quản lý tiền công đức; hiện tượng ăn mặc phản cảm khi đi lễ... là những vấn đề được nhiều đại biểu nêu câu hỏi khi chuyển sang nội dung giám sát thứ hai về công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, trong 3 năm gần đây, công tác quản lý lễ hội chùa Hương để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách. Tuy nhiên, tại lễ hội vẫn còn một số nội dung cần khắc phục, trong đó có hiện tượng bày bán thịt sống, thịt giả thú rừng.
UBND huyện đã tăng cường quản lý và xử lý thường xuyên. Ban tổ chức lễ hội thành lập các đội kiểm tra hằng ngày, xử lý được 23 trường hợp, xử phạt 17,7 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra đều khẳng định thịt được bày bán là giả thú rừng. Nhờ việc kiểm tra, xử lý nghiêm thường xuyên nên tình trạng này đã được hạn chế đáng kể trong các mùa lễ hội gần đây.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn và Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cũng đã thông tin tới đại biểu HĐND về các giải pháp nhằm hạn chế các bãi trông giữ xe không phép, thu phí quá quy định tại khu vực phủ Tây Hồ và Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Về quy định đặt hòm công đức, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tô Văn Dộng cho biết, cơ bản các di tích và cơ sở tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn đều thực hiện đúng quy định của Bộ chủ quản là không quá 3 hòm. Tuy nhiên, cũng có cơ sở đặt nhiều hơn để tạo điều kiện cho người dân không phải xếp hàng, chen lấn khi đặt công đức.
Tại các di tích có ban quản lý chịu trách nhiệm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước và công khai trước dân. Với cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, chủ yếu là nhà chùa sẽ do các sư trụ trì hoặc thông qua Ban Trị sự Giáo hội quản lý tiền công đức. Ngoài ra, tại một số điểm di tích, Ban Khánh tiết được nhân dân cử ra sẽ có trách nhiệm báo cáo công khai với chính quyền địa phương nội dung thu chi tiền công đức.
Hiện tượng ăn mặc phản cảm tại các khu di tích, theo ông Tô Văn Động hiện chỉ tập trung ở một bộ phận giới trẻ và du khách nước ngoài, còn lại đa phần người dân đều ăn mặc nghiêm túc. Tại một số di tích đã áp dụng hình thức cho mượn áo khoác và được du khách ủng hộ, đồng tình.
Trước phản ánh về một số lễ hội còn rườm rà, phức tạp, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo đúng truyền thống, không thương mại hoá hoặc coi trọng lợi ích kinh tế để biến tướng lễ hội.
Thời gian tới, Hà Nội cố gắng tạo ra lễ hội mới, vừa bảo đảm gìn giữ được nét đẹp truyền thống, văn hoá của Thủ đô, vừa nâng tầm được quy mô, tạo thành điểm đến hút khách du lịch như lễ hội hoa hồng, lễ hội đua thuyền....
Với 7 đại biểu nêu câu hỏi và 4 lượt thành viên UBND TP, lãnh đạo các địa phương tham gia giải trình về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhận định nội dung giám sát thứ hai cơ bản đạt yêu cầu. Thường trực HĐND TP ghi nhận sự nỗ lực và đạt kết quả cao của UBND TP trong công tác quản lý lễ hội trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và tại phiên giải trình, đại diện các cấp, các ngành đã đưa ra những giải pháp khắc phục.
Thường trực HĐND TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu HĐND TP chưa được phát biểu tại phiên giải trình hôm nay để gửi cho UBND TP tiếp tục có báo cáo giải trình gửi đến đại biểu HĐND TP. Đồng thời, Thường trực HĐND TP sẽ có kết luận cụ thể bằng văn bản cho từng nhóm vấn đề để UBND TP cùng các cơ quan, địa phương trên cơ sở đó quan tâm xem xét và giải quyết thực hiện theo quy định.
Còn một bộ phận cán bộ công chức nhũng nhiễu
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Ảnh: VIết Thành |
Phát biểu tiếp thu và giải trình thêm một số nội dung đại biểu và cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, những nội dung còn chưa rõ sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh để có báo cáo gửi Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND và công bố công khai để người dân và cử tri biết.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, sau một năm thực hiện, 2 QTƯX bước đầu đã được đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của thành phố và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Với phương châm "5 rõ", thành phố đã tổ chức triển khai đồng bộ các bước: Tổ chức xây dựng quy chế, quy trình triển khai; tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân để thực hiện; tổ chức sắp xếp lại hệ thống bộ máy của các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng quy trình quy chế cụ thể với từng đơn vị và quy chế làm việc từ cấp phường, xã; tiếp tục xây dựng đề án vị trí việc làm một cách cụ thể; xây dựng chương trình CNTT tổng thể, là công cụ chính để CCHC, đưa gần 2.000 thủ tục hành chính ở các cấp sang mức độ 3,4, giảm tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận còn nhiều tồn tại, đặc biệt trong cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với người dân và doanh nghiệp khi đến làm thủ tục.
Do đó, thay mặt UBND thành phố và các cấp chính quyền, Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu toàn bộ phản ánh của HĐND thành phố và sẽ tiếp tục rà soát trong thời gian tới để chấn chỉnh lại toàn bộ nội dung còn đang thiếu sót cũng như mặt chưa làm được; nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân trong thời gian tới.
"Thành phố sẽ tiếp tục kiên trì vận động để cán bộ công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành các QTƯX , để những quy tắc này trở hành nếp sống có văn hoá tại các cơ quan công sở và việc chấp hành của người dân tại nơi công cộng được tự giác.
Thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm." - Chủ tịch UBND TP nêu một số giải pháp.
Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát lại tất cả các quy trình thủ tục, toàn diện trên mọi lĩnh vực, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, giảm thời gian tối đa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử, tiếp tục đưa gần 2.000 thủ tục hành chính cấp phường xã, quận huyện, sở ngành sang dịch vụ công cấp độ 3, 4; phấn đấu toàn bộ dịch vụ công trả qua bưu điện và tại nhà để không có hành vi tiêu cực, thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực khi phục vụ nhân dân.
Tại những nơi dễ phát sinh hành vi chèo kéo khách, môi giới thủ tục đăng ký xe máy, giấy phép lái xe, khám sức khoẻ, lực lượng công an xây dựng kế hoạch để xử lý nghiêm các đối tượng "cò mồi".
Chủ tịch UBND thành phố mong muốn mỗi người dân với trách nhiệm của mình, trên cơ sở nội dung quy định của QTƯX tự giác chấp hành, có trách nhiệm đôn đốc nhắc nhở hành vi sai phạm để cùng nhau thực hiện ứng xử văn minh, văn hoá tại cộng đồng dân cư và nơi công cộng.
Tại một số lễ hội còn có hiện tượng lôi kéo khách, trộm cắp móc túi, mất vệ sinh ATTP, trông giữ xe lấy giá cao gây bức xúc trong dư luận, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành. Chủ tịch UBND các địa phương phải tăng cường kiểm tra xử lý. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn bước đầu có chuyển biến nhưng đòi hỏi phải được làm thường xuyên, liên tục.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nắm rõ tinh thần đã được quán triệt qua buổi giám sát để đôn đốc thực hiện tốt các nội dung công việc; chịu trách nhiệm về địa bàn công việc của mình, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tăng cường giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời phản ánh những vi phạm, tồn tại để thành phố xử lý nghiêm túc...
Xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch ở mọi nơi, mọi lúc
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phiên giải trình |
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong một buổi sáng làm việc, đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi với 18 lượt ý kiến; có 16 lượt ý kiến giải trình của cơ quan liên quan. Đặc biệt, lần này có sự tham gia của 3 chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn. Qua đó, Chủ tịch HĐND TP biểu dương tinh thần thẳng thắn, nhận thức đúng đắn của các đồng chí tham gia giải trình, đặc biệt lãnh đạo 3 đơn vị để xảy ra sự việc được phản ánh qua video clip trình chiếu đầu buổi giám sát.
Qua buổi giải trình, HĐND TP nhận thấy việc lựa chọn chủ đề và cách tổ chức phiên giải trình khoa học, đã đáp ứng yêu cầu phát triển và đi lên đi lên của chính quyền thành phố cũng như mong muốn của nhiều cử tri và nhân dân Thủ đô.
Để tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện hai bộ QTƯX mà đi đầu là đội ngũ cán bộ công chức; xây dựng hình ảnh người Hà Nội nói chung thực sự đẹp trong mắt bạn bè quốc tế và người dân cả nước; xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức là người công bộc tận tụy vì dân, HĐND TP đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các ngành triển khai đồng bộ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020, rà soát từng chỉ tiêu và có giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hai bộ QTƯX một cách hiệu quả bằng việc đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền hai bộ QTƯX trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với mỗi bộ quy tắc phải có hình thức phù hợp...
"Đưa việc tổ chức học tập hai bộ QTƯX vào sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, vào các hội nghị nhân dân của MTTQ nhằm tạo ra sự chuyển biến và nhận thức của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân. Người Hà Nội tự hào về truyền thống ngàn ngăm văn hiến của Hà Nội, từ đó rèn luyện bản thân mình từ việc nhỏ nhất là ứng xử văn hóa với nhau ở mọi nơi mọi lúc để các quy tắc ứng xử dần trở thành thói quen và định hướng cho cho thái độ, hành vi xử lý của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thủ đô" - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý.
Ngoài ra, cần nghiên cứu phân cấp các lĩnh vực công việc nhằm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và sự chủ động của chính quyền cơ sở; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong tiển khai các hoạt động của địa phương, đặc biệt quan tâm đến 2 bộ QTƯX; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, tổ chức sơ kết đánh giá định kỳ 6 tháng, 1 năm những việc đã triển khai;.
Các cấp ủy đảng, chính quyền HĐND các cấp phải vào cuộc và coi đây là một việc làm thường xuyên, xử lý nghiêm hơn vi phạm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên trực tiếp; cần có cơ chế khen thưởng và hình thức động viên gương Người tốt việc tốt, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Chủ tịch HĐND TP phát động toàn dân với tấm lòng yêu Thủ đô, vì Thủ đô tham gia thực hiện cuộc vận động ngay tại địa phương mình và tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức, nếu có thái độ chưa đúng với quy tắc thì đề nghị người dân có ý kiến phản ánh để kịp thời sửa chữa.
"Xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch ở mọi nơi, mọi lúc phải có sự vào cuộc của từng người dân Hà Nội, từng gia đình, đoàn thể và phải trở hành việc làm thường xuyên. Chính vì vậy, HĐND TP kêu gọi và mong muốn mỗi người dân hãy cùng chính quyền các cấp đưa hai bộ QTƯX vào cuộc sống, để Hà Nội luôn đẹp, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến" - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.