Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bạc Liêu đã lựa chọn, xác định đúng trọng tâm thực hiện, đó là đột phá trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Ngày 7-8, Đoàn công tác Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Tỉnh ủy Bạc Liêu về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Đảng bộ Bạc Liêu. Nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu gặp không ít khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan.
Bạc Liêu bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế còn chậm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, biểu dương. Đây là vấn đề mà Tỉnh ủy cần đưa ra thảo luận, đánh giá, làm rõ tại đại hội tới.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, dù là tỉnh thuần nông nhưng nhiệm kỳ qua, kinh tế Bạc Liêu phát triển thuộc tốp khá của vùng, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút nhiều công trình, dự án lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh… Kinh tế tăng trưởng mạnh góp phần nâng cao đời sống người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 1%.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bạc Liêu đã lựa chọn, xác định đúng trọng tâm thực hiện, đó là đột phá trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Ban Chấp hành thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo - đây là vấn đề quan trọng, then chốt. Trong phát triển kinh tế, tỉnh đã lựa chọn 5 trụ cột, khâu đột phá đúng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, Bạc Liêu đã thực hiện khá tốt, bài bản, chắc chắn, đúng tiến độ. Tuy nhiên, một số nơi vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến kết quả đại hội ở địa phương chưa đạt như mong muốn.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, trong thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục xây dựng địa phương trở thành trung tâm kinh tế năng lượng sạch của vùng; nghiên cứu kỹ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, trong đó xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với thiên tai.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thành tiến độ các công trình, dự án lớn, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong công tác quản lý, nội bộ phải đoàn kết thống nhất cao, đây là nguyên nhân dẫn đến thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục chấn chỉnh tác phong, đạo đức cán bộ, tự phê bình và phê bình trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội.
Tuy nhiên, khi phát hiện sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, nhằm giáo dục, răn đe, làm gương cho cán bộ, nhân dân…
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu luôn phát huy dân chủ, đoàn kết thống nhất cao, kịp thời ban hành các chủ trương đồng bộ, phù hợp trên các lĩnh vực.
Bạc Liêu đã hình thành và phát triển các trung tâm của vùng và cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tôm công nghệ cao; du lịch. Tỉnh xác định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam, tính đến thời điểm này, toàn bộ 20/20 chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội đề ra đều được thực hiện đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao và đứng vào nhóm các tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Kinh tế có sự tăng trưởng vượt bậc với tốc độ năm sau cao hơn năm trước, thuộc tốp các tỉnh tăng trưởng cao ở khu vực. Các dự án động lực, một số dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được triển khai thực hiện đạt kết quả rất quan trọng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và quyết liệt; quốc phòng, an ninh được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền được củng cố.
Về triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai quán triệt nghiêm túc và ban hành các văn bản cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đúng theo hướng dẫn của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, qua thực hiện, các cấp ủy đã thực hiện nghiêm việc chuẩn bị nhân sự, Văn kiện đại hội đảng bộ các cấp đúng theo quy trình, quy định. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo tổ chức hoàn thành sớm đại hội cấp cơ sở; đại hội cấp trên cơ sở đạt hơn 63%.
Tất cả các đại hội đều thành công tốt đẹp; hầu hết đại hội bầu cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đủ số lượng, đúng yêu cầu cơ cấu và tỷ lệ cấp ủy nữ trẻ cao hơn so với quy định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trong quá trình thực hiện, Bạc Liêu cũng còn bộc lộ một số lúng túng, hạn chế, bất cập. Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã kiến nghị với Đoàn công tác một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trước đó, Đoàn công tác đã tham quan một số mô hình nuôi tôm, xây dựng nông thôn mới, cơ sở văn hóa trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.