(HNM) - Đêm 27-5, một chiếc xe tải chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống của 40 hộ dân huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái (Quảng Ninh) tiêu thụ, đến thị xã Chí Linh (Hải Dương) bị lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra và sau đó giao xe hàng cho Phòng Cảnh sát môi trường với lý do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
Trong quá trình xử lý, mất nhiều thời gian lô hàng trên không được bảo quản, đã bị hư hỏng. Chiều 29-5, đại diện của các chủ hàng đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương đòi bồi thường. Theo các chủ hàng, với quy định của Bộ NN&PTNT thì mặt hàng của họ không cần có giấy kiểm dịch…
Sau khi xảy ra vụ việc nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ quá trình kiểm tra, xử lý; đồng thời giao Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo thông tin mới nhất báo chí loan tải, Công an tỉnh Hải Dương đã quyết định bồi thường 650 triệu đồng cho chủ lô hàng nêu trên và thừa nhận cảnh sát môi trường tỉnh này đã "sơ suất và thiếu sót" trong khi xử lý lô hàng, không kịp thời báo cáo cấp trên. Khi Ban Giám đốc và lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường biết sự việc thì lô hàng đã bị hư hỏng và gây ra sự việc đáng tiếc. Các ngư dân Cần Giờ không đòi bồi thường chi phí vé máy bay ra Hải Dương khiếu nại, đồng thời tỏ ý hài lòng về thiện chí và tinh thần trách nhiệm của Công an tỉnh Hải Dương trong quá trình xử lý vụ việc. Vụ việc có lẽ kết thúc ở đây nhưng những gì diễn ra đã cho thấy không ít vấn đề.
Thứ nhất, bên cạnh việc các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản một cách rõ ràng (để tránh hiểu sai và có nhiều cách hiểu khác nhau), không để tình trạng chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật… thì việc cập nhật, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho người thực thi công vụ là hết sức cần thiết. Nếu nắm vững các văn bản quy định pháp luật, chắc chắn sẽ tránh được những sơ suất, thiếu sót như trường hợp nêu trên.
Thứ hai, cùng với tinh thần thượng tôn pháp luật, người thực thi công vụ cần linh hoạt hơn trong xử lý các tình huống để hạn chế thiệt hại vật chất cho người dân, tránh để xảy ra những bức xúc không đáng có gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Thứ ba, vụ việc cũng là một bài học kinh nghiệm cho người dân khi buôn bán, vận chuyển nông, lâm, thủy sản. Bởi lẽ nếu họ có các giấy tờ cần thiết mà pháp luật quy định, chắc chắn sẽ không xảy ra vụ việc đáng tiếc này. Đồng thời, người dân cũng cần tự trang bị kiến thức nhất định về pháp luật để có thể vững vàng trước những khúc mắc về pháp lý…
Sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an và cách giải quyết vụ việc của Công an tỉnh Hải Dương đã cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật đang ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội. Không có bất cứ cơ quan nào, cá nhân nào có thể đứng trên pháp luật và những việc làm sai trái sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Qua vụ việc nêu trên cũng cho thấy không chỉ người dân cần được trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết mà người thi hành công vụ cũng phải am tường chuyên môn, am hiểu pháp luật để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Nâng cao hiểu biết pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật cũng là một đòi hỏi tất yếu trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.