Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại - “Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của Hà Nội

Thanh Hiền| 01/05/2020 08:10

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thế giới đình trệ khiến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn, song trong những tháng đầu năm 2020, bức tranh kinh tế của Hà Nội vẫn có những “điểm sáng”.

Nổi bật trong đó là lĩnh vực thương mại nội địa đạt mức tăng trưởng 7,4% trong quý I-2020, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 4,7%. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương để làm rõ hơn về vấn đề này.

Siêu thị Vinmart Royal City đầy ắp hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

- Dịch Covid-19 đang khiến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng bị suy giảm. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại của Hà Nội vẫn tăng trưởng, xin bà cho biết rõ thêm về kết quả này?

- Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến các ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Hầu hết chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn kế hoạch. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nên hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố trong quý I-2020 được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có hiện tượng khan hàng, tăng giá đột biến.

Cụ thể, Sở đã tham mưu thành phố triển khai bình ổn thị trường với lượng hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh với tổng giá trị hàng hóa khoảng 174 nghìn tỷ đồng. Đồng thời triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch Covid-19; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước…

Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 135,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; lĩnh vực thương mại nội địa của Hà Nội trong quý I-2020 đạt mức tăng trưởng 7,4%, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 4,7%.

- Thực hiện chỉ đạo của thành phố và ngành Công Thương, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường như thế nào, thưa bà?

- Các doanh nghiệp cung ứng hàng lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, tích trữ nhiều.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; sáng tạo, áp dụng các mô hình mới kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao của người tiêu dùng. Theo số liệu chúng tôi nắm được, số lượng đơn hàng thực phẩm thiết yếu, nhiệt kế, khẩu trang, khăn ướt, gel rửa tay khô, nước rửa tay, máy lọc không khí... của các website, sàn giao dịch tăng 150% đến 200% so với ngày thường từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, các đơn đặt hàng, giao hàng liên quan đến dịch vụ ăn uống tăng trưởng cao, khoảng 70% so với ngày thường. Doanh thu từ hoạt động giao nhận, vận chuyển phục vụ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng đáng kể, từ 20% đến 30%.

- Thủ đô Hà Nội và cả nước đã bước sang giai đoạn phát triển kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch. Xin bà cho biết, ngành Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thời gian tới?

- Hà Nội đặt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Đây là giải pháp giúp nhanh chóng tạo môi trường và điều kiện ổn định cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế Thủ đô. Sở sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện; khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối trên địa bàn... để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu bị đứt đoạn…

Sở đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố… nhằm khai thác, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng hóa lợi thế của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nắm bắt tình hình thị trường để chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, bảo đảm cân đối cung - cầu, giảm tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt.

Đồng thời, Sở cũng hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường nước ngoài thông qua một số kênh phân phối (Central Group, Aeon, Lotte…). Hoạt động này cũng góp phần hướng dẫn các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Cùng với đó là chủ động tạo nguồn hàng ổn định, bảo đảm cung - cầu của thị trường Hà Nội trong các dịp lễ, Tết, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai, công tác bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại - “Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.