(HNM) - Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức - là một nghị quyết mang tính cách mạng sâu sắc và có ý nghĩa nhiều mặt.
Tính cách mạng trước hết thể hiện qua việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng khoa học, hợp lý, tinh gọn và hiệu quả.
Đồng thời còn nằm ở chính việc "nâng cấp" chất lượng bộ máy cán bộ công chức, viên chức thông qua chọn lựa đúng người đúng việc, thu hút thêm những người có đức, có tài vào các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Nếu chỉ nhìn vào tên của nghị quyết, thì mục tiêu hay hiệu quả đầu tiên rõ ràng là giảm bớt được biên chế trong khi công việc không những giữ nguyên mà có thể còn tăng thêm. Nhưng ý nghĩa và mục tiêu của nghị quyết không chỉ có vậy. Vấn đề quan trọng hơn là thông qua sắp xếp, tinh giản nhân sự sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng hoạt động của cả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; từ đó thúc đẩy năng lực vận hành của bộ máy tổ chức, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao. Về mặt kinh tế, giảm được biên chế, giảm được bớt đầu mối bộ máy… đồng nghĩa với tăng tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, thực hiện tốt hơn mục tiêu cải cách chính sách tiền lương.
Nói vậy để thấy rằng, một chỉ tiêu mang tính định lượng mà Nghị quyết 39-NQ/TƯ đã xác định - "đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế các cơ quan, đơn vị" - tuy quan trọng, song chưa phải là điểm nút, chưa phải là tất cả những gì cả hệ thống chính trị phải thực hiện sắp tới. Bởi đơn giản là với nhiều cơ quan, đơn vị, trong khoảng 5 năm tới, chỉ số người tuần tự hưởng chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định đã bằng hoặc lớn hơn mức 10% này rồi. Vấn đề là làm gì để sau những con số cơ học đó sẽ là một bộ máy cơ quan, đơn vị đủ mạnh?
Còn đó những kết quả không nhỏ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Hệ thống pháp luật có nhiều tiến bộ, gắn liền hơn với tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; đội ngũ nhân sự từng bước được xây dựng cơ cấu một cách hợp lý. Đã triển khai xây dựng vị trí việc làm; đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm, luân chuyển... Nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước; tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, tạo sự chuyển biến tích cực hơn, về chất lượng và cơ cấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhưng cũng còn đó không ít hạn chế trong công tác này. Đó là xu hướng phình ra của bộ máy và biên chế. Cơ cấu công chức, viên chức cũng còn nhiều bất cập về số lượng, chức danh nghề nghiệp, trình độ... Công tác đánh giá, phân loại đội ngũ vẫn là khâu yếu trong khi khâu thi nâng ngạch bậc lại có chất lượng thấp… Và hình ảnh đáng buồn nhưng khá rõ nét trong đội ngũ công bộc của dân là cảnh một bộ phận không nhỏ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" nhưng làm việc gì cũng kém!
Bởi thế, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chính là thước đo về tính cách mạng đối với cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Để thước đo này thật sự trong sáng, trước hết cần phải vượt qua rào cản về nhận thức. Phải thật sự luôn thấm thía trách nhiệm cá nhân trước tập thể, với tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung". Thực tiễn sắp xếp tổ chức bộ máy vừa qua ở một số sở, ngành, quận, huyện thành phố cùng với giảm số lượng phòng, ban, rất nhiều cán bộ trưởng, phó phòng đã xuống làm chuyên viên. Sự thông suốt trước yêu cầu nhiệm vụ mới cho thấy tinh thần cách mạng của nhiều công bộc chân chính. Nhưng cũng rất cần những bản lĩnh cách mạng hơn trong việc mỗi cá nhân sẽ tự mình phải mô tả trung thực, rõ nét vị trí việc làm của mình, để qua đó cùng tập thể xác định cơ cấu nhân sự cho hợp lý. Với tổ chức, rất cần sự khoa học trong rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định.
Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là công việc to lớn, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Nhưng không thể không làm. Để làm thành công - đòi hỏi phải có sự chung sức đồng lòng với quyết tâm rất cao, đặt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể lên trên hết, trước hết. Công việc này cũng đòi hỏi bản lĩnh cách mạng của những người cộng sản trong công cuộc đổi mới hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.