Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Tuấn Lương| 20/05/2023 06:12

(HNM) - Cùng với chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và góp phần giải quyết ùn tắc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội còn tích cực chuẩn bị đầu tư theo tiến độ các dự án lớn của thành phố. Trong đó, dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bảo đảm khởi công trong tháng 6-2023.

Công trường thi công cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Trọng Hiếu

Bám sát công trường

Mặc dù nắng nóng song hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn tích cực bám sát công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Phần cầu dẫn phía quận Long Biên đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang tập trung cho phần quan trọng nhất là thi công các nhịp chính.

Phó Chỉ huy công trường cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 Đặng Xuân Đại cho biết, nhà thầu đã bố trí đầy đủ máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng để hoàn thiện công trình. Công trường hiện có hơn 200 công nhân thi công 3 ca liên tục. Dự án đang bám sát tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, công trường vẫn thi công bình thường.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, đến nay, đã hoàn thành 562/562 cọc khoan nhồi, 61/61 bệ thân trụ, cùng toàn bộ kết cấu phần trên (2.168/2.168m)…

“Chúng tôi đang tập trung nhân lực, máy móc hoàn thành hợp long các nhịp chính vượt sông trước ngày 30-6. Các hạng mục còn lại, như: Đúc gờ bê tông lan can, khe co giãn, cây xanh, chiếu sáng, thảm mặt cầu, sơn kẻ tổ chức giao thông sẽ hoàn thành và phục vụ thông xe vào ngày 2-9”, ông Nguyễn Chí Cường chia sẻ.

Tại dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, sau nhiều lần phải giãn tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc trong di chuyển các công trình ngầm, nổi, vận chuyển dầm..., việc thi công cũng đang bám sát kế hoạch tiến độ điều chỉnh.

Trưởng phòng Thực hiện dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) Bùi Mạnh Cường thông tin, đến nay, nhà thầu đã hoàn thành kết cấu phần dưới (bao gồm mố M0, M9, các trụ từ T1 đến T9). Với kết cấu phần trên, nhà thầu đã lắp dựng xong 9/9 nhịp kết cấu dầm thép, hoàn thành bê tông bản mặt cầu toàn bộ cầu; ngày 10-6 sẽ hoàn thành lan can thép và hệ thống chiếu sáng, thoát nước, thảm bê tông nhựa asphalt mặt cầu. Theo kế hoạch, ngày 20-6 sẽ hoàn thành thử tải và trồng cây xanh, thảm bê tông nhựa asphalt phía đường Chùa Bộc và nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Đến ngày 25-6 sẽ hoàn thiện tổ chức giao thông và thông xe.

Còn tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (gồm 5 gói thầu xây lắp chính), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khởi công gói thầu số 03/QL6-XL (thi công đoạn từ Km22+220 đến Km25+030). Nhà thầu đang mở rộng nền đường và đúc cấu kiện hào kỹ thuật, cống thoát nước.

Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đang được hoàn thiện, dự kiến thông xe vào ngày 25-6. Ảnh: Minh Đăng

Chuẩn bị đầu tư các gói thầu, dự án mới

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đang chuẩn bị đầu tư các gói thầu, dự án mới theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Cũng tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Ban Quản lý dự án đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trong tháng 6-2023 có thể thi công gói thầu số 04/QL6-XL (đoạn từ Km25+030 đến Km32+900); trong tháng 7-2023 thi công gói thầu số 05/QL6-XL (đoạn từ Km32+900 đến Km38+00).

Với 2 gói thầu còn lại (gói 01/QL6-XL và 02/QL6-XL), có tổng chiều dài gần 6km, ban đang lập lại thiết kế kỹ thuật - dự toán do phải điều chỉnh phương án thiết kế nút giao giữa quốc lộ 6 và đường Vành đai 4 (bổ sung hạng mục cầu vượt theo hướng quốc lộ 6 đi trên cao vượt Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và song song với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông); điều chỉnh phương án thiết kế cầu Mai Lĩnh theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, Ban Quản lý dự án dự kiến đấu thầu, khởi công 2 gói thầu này trong quý III-2023.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cũng đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán các gói thầu xây lắp, chuẩn bị mặt bằng... để trong tháng 6-2023 có thể khởi công dự án xây dựng đường kết nối tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.

“Đặc biệt, với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ban đã cùng các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai theo kế hoạch và nhiệm vụ được giao. Dự kiến đến tháng 6-2023 sẽ bàn giao được khoảng 70% diện tích, bảo đảm khởi công dự án vào cuối tháng 6-2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và thành phố. Trước ngày 31-12-2023 sẽ bàn giao 100% diện tích phải giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án”, ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.

Hai dự án chuẩn bị hoàn thành trong năm 2023

1. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm ở phía hạ lưu, song song và có hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 3.473m. Điểm đầu dự án giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn và đường Cổ Linh (quận Long Biên). Tổng mức đầu tư dự án là 2.538 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2022. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy hoàn chỉnh sẽ có 8 làn xe.

2. Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có kết cấu thép lắp ghép, dạng chữ C, với tổng chiều dài cầu hơn 320m. Trong quá trình triển khai, dự án đã phải điều chỉnh tiến độ do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giải phóng công trình ngầm, nổi trong phạm vi dự án... Sau khi hoàn thành, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch góp phần nâng cao năng lực lưu thông phương tiện ở nút giao trọng điểm này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.