(HNM) - Trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm. Để hạn chế tình trạng vi phạm, lạm dụng, trục lợi chính sách, các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nghiêm minh. Điều này thiết thực góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tăng sức hấp dẫn của chính sách.
Còn một số vi phạm
Việc trốn đóng, chậm đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định rõ tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn tồn tại ở không ít đơn vị, địa phương.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đàm Thị Hòa, đến cuối tháng 5, toàn thành phố còn khoảng 80.000 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội của người lao động với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm gần 9% so với số phải thu. Cùng thời điểm, tính chung cả nước, các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 24.699 tỷ đồng, chiếm 5,8% so với số phải thu. Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội còn tồn tại làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía, trực tiếp là người lao động chịu nhiều thiệt thòi.
Cũng theo Luật Bảo hiểm xã hội, các tổ chức, cá nhân không được phép gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; không được mua bán, “cầm cố” sổ bảo hiểm xã hội để vay mượn tiền hoặc trục lợi... Song, trên thực tế các cơ quan chức năng ghi nhận có một số đối tượng lợi dụng quy định người lao động được “ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội” để mua, bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội. Sau đó, các đối tượng làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.
Ngoài ra, có trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, vi phạm quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trước thực trạng này, ngày 31-5-2022, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan ký Công văn số 1767/ LĐTBXH-BHXH giao ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định...
Kiên quyết xử lý, khắc phục
Nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật về bảo hiểm xã hội, qua đó thiết thực bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, người lao động, từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về việc thực hiện chính sách này tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, ở những địa phương tập trung nhiều lao động, công tác thanh, kiểm tra được các bên đặc biệt chú trọng. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã thực hiện 1.184 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp; 1.381 cuộc thanh tra chuyên ngành; đồng thời đôn đốc nợ đối với hơn 8.300 đơn vị. Số tiền thu hồi được sau thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nợ là gần 425 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đã, đang chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng về bảo hiểm xã hội.
Một số đơn vị đã khắc phục toàn bộ số nợ như: Công ty cổ phần Công nghệ thương mại GIGA1; Công ty TNHH LIFE BRIDGE Việt Nam chi nhánh Hà Nội... Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm nhân sự, Công ty TNHH LIFE BRIDGE Việt Nam, chi nhánh Hà Nội cho biết: “Sau khi bị thanh tra, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy việc nợ bảo hiểm xã hội khiến đơn vị mất nhiều quyền lợi, có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, đơn vị chúng tôi cố gắng hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội”.
Cùng với việc khắc phục nợ đóng, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban Soạn thảo đã đề xuất bổ sung điều khoản nghiêm cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức. “Khi được thông qua, quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn chặn việc mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội”, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam đánh giá.
Ngoài khung pháp lý phù hợp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm nâng cao mức sống cho người lao động; có chính sách tín dụng ưu đãi hợp lý dành cho họ. Bởi, hiện nay, một số người lao động mang bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội hay vay tín dụng “đen” cũng vì họ cần gấp một khoản tiền để trang trải đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.