(HNM) - Những ngày giáp Tết, người kinh doanh có tâm lý muốn thu lợi cao, người tiêu dùng lại muốn mua cho đủ hương vị Tết, nên giá các mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội hiện đã tăng thêm khoảng 15-25%...
Giá thực phẩm tăng từ 15 đến 25% trong những ngày qua. Ảnh: Trung Kiên |
Tại một số chợ, như chợ Hôm, Thành Công, Mơ, 8-3. Long Biên… giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tăng lên so với cuối tháng 12-2010. Ở chợ Hôm (ngày 7-1), thịt lợn thăn loại ngon được bán phổ biến với giá 90.000-100.000 đồng/kg; thịt mông, nạc vai giá 80.000 đồng/kg, ba chỉ 75.000-80.000 đồng/kg. Thăn bò loại ngon 180.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với mấy ngày trước. Thịt gà công nghiệp tăng 10.000 đồng/kg, lên 75.000 đồng/kg; thịt gà ta giá 100.000-130.000 đồng/kg…
Trong khi đó, do thời tiết rét đậm, rau xanh phát triển chậm khiến giá các loại rau tăng 15-30% (tùy loại). Tại chợ đầu mối Long Biên, giá bắp cải, cải ngọt, rau cần, cải thảo… tăng khoảng 10-15% so với những ngày cuối tháng 12. Tại chợ Mơ (7-1), các loại rau đều tăng thêm 1.000-2.000 đồng/mớ, rau cần 6.000 đồng/mớ, rau muống 4.000 đồng/mớ, cải thảo 12.000 đồng/kg (trước đó giá 10.000 đồng/kg), hành hoa cũng tăng từ 13.000 lên 15.000 đồng/kg… Chị Thu Lan, tiểu thương bán rau ở chợ 8-3 cho biết, mấy ngày gần đây, do thời tiết rét đậm, chợ đã khan hàng. Nếu thời tiết tiếp tục rét kéo dài, không chỉ rau chậm phát triển mà còn gây trở ngại cho việc vận chuyển các loại rau từ các tỉnh phía Bắc về, vì vậy rau sẽ còn tăng giá.
Theo Sở Công thương Hà Nội, giáp Tết giá một số mặt hàng có thể tiếp tục tăng do nhu cầu cao. Hiện tổng lượng gạo dự trữ của thành phố có thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nhóm hàng rau, củ, quả sẽ tiếp tục tăng khoảng 10-15% do thời tiết tháng giáp Tết có thể rét đậm, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của rau, gây khan hàng. Giá gà ta, thịt lợn… sẽ tăng khoảng 5-7%. Trong khi giá rau xanh tại các chợ tăng thì một số siêu thị vẫn giữ giá rau ở mức ổn định. Tại siêu thị Big C Thăng Long, chương trình hàng đồng giá 5.000 đồng áp dụng với một số sản phẩm rau, quả, như cải ngọt, cải xanh, rau muống, su su, bí đỏ… thu hút các bà nội trợ. Đại diện siêu thị Hapro Mart cho biết, thực hiện chỉ đạo không tăng giá của Sở Công thương, các mặt hàng bình ổn có cùng nguồn gốc, giá trong siêu thị bảo đảm thấp hơn mặt bằng chung trên thị trường. Với mặt hàng dầu ăn, dù siêu thị phải chấp nhận tăng 1.000-2.000 đồng/lít do nhà cung cấp kiến nghị đòi tăng giá với lý do nguyên liệu để chế biến chủ yếu phải nhập khẩu, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn các cửa hàng bán lẻ. Đại diện chuỗi siêu thị Fivimart chia sẻ, dù việc giữ giá ổn định trong khi giá thị trường có xu hướng tăng, DN bán lẻ phải chịu lỗ, nhưng vì thực hiện các cam kết khi tham gia bình ổn giá, nên siêu thị phải đàm phán với các nhà cung cấp lùi thời hạn tăng giá đến hết quý I-2011...
Đại diện Phòng Quản lý giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, những ngày qua, nhiều DN, siêu thị đã kiến nghị tăng giá một số mặt hàng thực phẩm, nhưng liên ngành công thương - tài chính không đồng ý. Bởi nếu DN nào tham gia bình ổn, được UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí với lãi suất 0% mà tăng giá sẽ bị thu hồi khoản hỗ trợ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.