(HNM) - Làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra đề án, dự thảo nghị quyết chuyên đề trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là nội dung được nhiều đại biểu HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã quan tâm, bởi đây là lĩnh vực rộng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến con người trong hiện tại và tương lai...
Báo cáo thẩm tra phải có tính phản biện
Việc thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết đóng vai trò quan trọng, bởi đây là giai đoạn xem xét về nội dung cũng như thể thức văn bản nhằm hoàn thiện các báo cáo, dự thảo nghị quyết trước khi trình tại kỳ họp để đại biểu HĐND xem xét, quyết nghị thông qua hay không thông qua. Theo nhiều đại biểu, yêu cầu chất lượng của một báo cáo thẩm tra là phải rõ quan điểm, có tính phản biện, ngắn gọn, dễ hiểu, trúng, đúng nội dung thẩm tra; có ý kiến về những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Để báo cáo mang tính thuyết phục cao, các ý kiến phản biện, đề xuất phải có căn cứ xác đáng, rõ ràng, tạo được sự đồng tình của đại biểu HĐND.
Ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố tại các kỳ họp đã góp phần quan trọng để hoàn thiện các nghị quyết chuyên đề về văn hóa - xã hội. Ảnh: Nhật Nam |
Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND thành phố tiến hành 11 kỳ họp, trong đó thông qua 16 nghị quyết chuyên đề thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố được giao nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình liên quan. Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Đỗ Trung Hai, thu thập thông tin đóng vai trò rất quan trọng, vì thế các thành viên của ban không chỉ lấy thông tin từ các báo cáo của UBND, của các ngành mà còn thu thập qua hoạt động khảo sát, giám sát, qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Bên cạnh đó, các thành viên của ban còn chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan có liên quan trong suốt quá trình chuẩn bị nội dung, đầu tư nghiên cứu sâu tài liệu, tham khảo các văn bản pháp luật liên quan...
Kinh nghiệm thẩm tra dự án, dự thảo nghị quyết được Phó ban Kinh tế - Xã hội HĐND quận Hà Đông Bùi Thị Huê cho biết, sau khi có các tờ trình, đề án của cơ quan soạn thảo, Ban tiến hành khảo sát thực tế và tổng hợp, xác định nội dung trọng tâm cần làm rõ để xây dựng báo cáo thẩm tra. Vấn đề nào thấy cần thiết, mà chưa rõ, đề nghị Thường trực HĐND tổ chức họp với UBND quận và các cơ quan soạn thảo báo cáo, các ngành liên quan... để thảo luận, làm rõ các vấn đề chủ yếu, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau và chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo thẩm tra... Còn theo Thường trực HĐND huyện Đông Anh, nghị quyết chuyên đề là những vấn đề cụ thể liên quan đến cơ chế chính sách của địa phương, cần có sự khảo sát, đánh giá thực tiễn một cách khách quan, toàn diện và phải trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Huyện ủy để việc ban hành có tính khả thi cao...
Lắng nghe ý kiến cử tri
Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng trong hoạt động thẩm tra dự án, dự thảo nghị quyết của HĐND các cấp vẫn còn những khó khăn. Đó là UBND và các cơ quan gửi tài liệu, hồ sơ báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết còn chậm, có nơi còn thiếu chưa bảo đảm theo quy định, nên ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ của thành viên các ban HĐND và đại biểu dự họp. Thông tin không đầy đủ, thiếu thời gian nghiên cứu đã ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra. Thêm nữa, lĩnh vực văn hóa - xã hội rất rộng trong khi thành viên các ban hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, ít có các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực chuyên sâu nên khả năng phản biện vấn đề của một số đại biểu còn hạn chế. Đội ngũ chuyên viên giúp việc ban có kiến thức thực tiễn chưa nhiều ảnh hưởng đến công tác tham mưu và chất lượng báo cáo thẩm tra.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt cho rằng, UBND các cấp cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về thời hạn chuyển báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Bên cạnh đó, mỗi thành viên của ban cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, dành thời gian thích đáng trong quá trình thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; phát huy hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực công tác để tham gia góp ý. Các thông tin trình bày trong báo cáo thẩm tra phải là thông tin thu thập đa chiều về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của các bộ, ngành. Đây là yếu tố quan trọng, là cơ sở để HĐND xem xét, quyết định.
Thực tiễn cho thấy, thành viên các ban HĐND đều kiêm nhiệm, nếu không tâm huyết, trách nhiệm trước cử tri thì khó có thể thực hiện hết trọng trách được giao. Vì thế, yêu cầu đặt ra cho mỗi đại biểu, thành viên các ban cần tích cực tiếp cận thực tế và lắng nghe ý kiến cử tri để thu thập thông tin, tránh tình trạng né tránh, nể nang. Cùng với đó, mỗi thành viên trong các ban cần thực hiện tốt việc giám sát và khảo sát thực tế. Trong quá trình khảo sát cần quan tâm thu thập thông tin nhiều chiều, làm rõ bối cảnh, điều kiện cụ thể của vấn đề được giải quyết. Ngoài ra, các ban cần chú trọng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để thu thập thông tin, tài liệu, cứ liệu, kinh nghiệm hay, cách làm tốt liên quan đến vấn đề cần thẩm tra. Có như vậy chất lượng thẩm tra dự án, dự thảo nghị quyết mới bảo đảm, sát thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.