(HNM) - Nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện đợt giám sát về vấn đề này trên toàn thành phố.
Qua giám sát, bên cạnh kết quả nổi bật, nhiều địa phương đã báo cáo về những khó khăn từ thực tiễn, đồng thời đề xuất hướng giải quyết...
Chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ thu ngân sách
Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, ngay sau khi có Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức quán triệt việc thực hiện nghị quyết, bảo đảm thực hiện đúng quy định. Hằng năm, các địa phương đều chủ động xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, có các giải pháp chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn chi, bố trí kế hoạch vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trong đó, quận Thanh Xuân là một trong 10 quận bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách và có đóng góp vào tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận giai đoạn 2017-2020 ước đạt 18.979 tỷ đồng, hằng năm đóng góp 4,5 - 7% trong tổng nhiệm vụ thu ngân sách thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã. Đáng lưu ý, quận có 3 phường: Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Nhân Chính không chỉ tự cân đối thu - chi ngân sách mà còn có kết dư chuyển nguồn hằng năm.
Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Vũ Hữu Thọ cho biết, năm 2019, phường đã tự bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách, góp phần quan trọng để thực hiện đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn theo phân cấp. Phường đã thực hiện sửa chữa bảng tin, cổng chào, sân chơi, nạo vét cống rãnh ở khu dân cư, đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 8 ngôi nhà cho gia đình chính sách trên địa bàn... “Nhờ các công trình xây mới hoặc sửa chữa của phường, tình trạng ngập úng khi mưa lớn trên địa bàn đã giảm đáng kể”, ông Nguyễn Văn Hà (phường Thanh Xuân Trung) cho biết.
Quận Hà Đông cũng có mức tăng trưởng và phát triển nhanh trong những năm qua. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, tổng số thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 đạt 19.303 tỷ đồng; thu ngân sách hằng năm đều vượt dự toán thành phố và HĐND quận giao, tỷ lệ tăng thu đạt từ 19% đến 34%. Việc tăng thu ngân sách trên địa bàn góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2017-2019, thu ngân sách trên địa bàn huyện Đan Phượng đều đạt và vượt dự toán thành phố giao, trong đó năm 2019 đạt 160% dự toán. “Việc thu ngân sách tăng đã góp phần để huyện chủ động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hạn chế tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn bổ sung của cấp trên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin.
Xem xét điều chỉnh tỷ lệ chia nguồn thu
Theo phản ánh của nhiều địa phương, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách vẫn còn bất cập. Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, hiện việc phân chia tỷ lệ điều tiết về nguồn thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn quận đối với dự án diện tích hơn 5.000m2 giai đoạn 2017-2020 là ngân sách quận hưởng 30%, ngân sách thành phố hưởng 70%, dẫn đến địa phương có khó khăn về nguồn lực đầu tư, không chủ động sử dụng được nguồn lực thực hiện các dự án, công trình cấp thiết trên địa bàn.
"Nếu thành phố tăng tỷ lệ điều tiết đối với nguồn thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất các dự án diện tích hơn 5.000m2 trên địa bàn cho ngân sách quận được hưởng cao hơn mức 30% như hiện nay thì quận sẽ có nhiều nguồn lực hơn để phát triển trong giai đoạn 2021-2025", ông Trần Thế Cương đề xuất.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, giai đoạn ngân sách 2021-2025, thành phố nên điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu từ tiền sử dụng đất với loại đất có diện tích hơn 5.000m2 trở lên hoặc diện tích đất dưới 5.000m2 tiếp giáp với đường phố để quận được thụ hưởng mức cao hơn hiện nay, tạo nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều địa phương cũng đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh tỷ lệ chia nguồn thu khác cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng với điều kiện phát triển. “Đối với các sắc thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, nếu quận được hưởng 13%, so với mức 11% hiện nay thì thu ngân sách trên địa bàn quận sẽ tăng đáng kể”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến kiến nghị.
Là địa phương chưa tự chủ được cân đối ngân sách, hằng năm vẫn phải nhận hỗ trợ từ thành phố, trong khi đó đang phấn đấu trở thành quận vào năm 2025, UBND huyện Đan Phượng đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết khoản lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân cho huyện được hưởng 100% (hiện đang điều tiết ngân sách thành phố 65%, ngân sách huyện 35%). Huyện cũng mong muốn được hưởng tỷ lệ điều tiết 100% nguồn thu từ các dự án giao đất cho các doanh nghiệp để đầu tư thực hiện dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn...
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trước đề xuất của các quận, huyện, sau đợt giám sát, Thường trực HĐND thành phố sẽ kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn; đánh giá kỹ thực tiễn và nghiên cứu các quy định của Trung ương để chỉ đạo xây dựng phương án điều chỉnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.