Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán

Đình Hiệp| 19/01/2022 13:22

(HNMO) - Sáng 19-1-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, cùng đại diện các sở, ngành của thành phố.

Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong trong giới hạn kiểm soát

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13 đến 18-1, thành phố Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Trong đó, số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Thành phố đang điều trị cho 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện tuyến Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%). Đến ngày 18-1, thành phố đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 13.785.135 mũi; tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 227.198 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 1.507.055 mũi.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế kiến nghị các địa phương cần tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành Y của thành phố và sự chủ động tại cấp quận, huyện, thị xã. Cùng với đó là triển khai hoạt động của Tổ hỗ trợ quản lý điều trị Covid-19 tại nhà.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Phòng, chống dịch với đích đến là “3 không”

Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện: Thanh Xuân, Hoài Đức, Ba Đình, Mỹ Đức, Long Biên, Quốc Oai… đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; công tác thu dung, điều trị các F0 cũng như việc rà soát các đối tượng còn lại để tiêm phủ vắc xin; đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.

Đại diện Sở Tài chính cũng đã báo cáo công tác chi trả chế độ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch của thành phố. Công an thành phố báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 cũng như bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán 2022.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, hiện nay, chúng ta cần xác định đích đến là “3 không” (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì Covid-19 sẽ không còn là đại dịch.

Để thực hiện được “3 không”, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, các địa phương của Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp. Thứ nhất là, giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó người dân cần thực hiện nghiêm “5K”. Thứ hai là, tiêm phủ vắc xin cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Thứ ba là, chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; đồng thời, tăng cường Trạm y tế lưu động cấp phường, xã, thị trấn. Thứ tư là, kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết. Thứ năm là, tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với huyện Mỹ Đức, Sở sẽ có buổi làm việc riêng để bàn cụ thể về việc tổ chức lễ hội Chùa Hương, với tinh thần chỉ cho phép tổ chức các nghi thức phần lễ mang tính nội bộ và phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự. Thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lễ hội dịp đầu năm mới cũng như kiểm soát các dịch vụ văn hóa khác trên địa bàn thành phố.

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá tình hình dịch thời gian qua đều nằm trong dự báo và thành phố cơ bản kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu cơ sở có sự chủ động, sâu sát hơn thì công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa. Dự báo dịp Tết Nguyên đán này tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều phức tạp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các địa phương bám sát tình hình thực tế; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Lấy ví dụ về nhiệm vụ tiêm vét vắc xin phòng Covid-19 tại các địa phương, Phó Bí thư Thành ủy chỉ rõ, do nhận thức và sự quyết liệt của lãnh đạo từng cơ sở khác nhau nên tới nay có những địa phương làm rất tốt, ngược lại nhiều đơn vị "giậm chân tại chỗ".

“Thành phố cũng sẽ thông qua kênh thông tin từ các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà để đánh giá hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, các quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn xây dựng kịch bản cụ thể trong những ngày Tết, phù hợp và bám sát diễn biến thực tế, tránh bỏ sót bệnh nhân Covid-19 và không để các trường hợp này thiếu thuốc. Các quận, huyện, thị xã rà lại lực lượng, phối hợp với ngành Y tế, nếu cần thiết huy động sinh viên các trường đại học, cao đẳng để bổ sung kịp thời trong thời điểm Tết. Đồng thời, các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân; nâng công suất tổng đài 1022 trong những ngày Tết. Sau Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án đưa học sinh lớp 7 trở lên trở lại trường và chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh không có tiền lệ, hệ thống cũng cần phải điều chỉnh liên tục. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị cần quyết tâm, điều phối công việc cụ thể, sát tình hình. Các quận, huyện, thị xã phải rốt ráo với từng số liệu cụ thể trong quản lý rủi ro, như: Số chuyển tầng, số tiêm vét vắc xin, số bệnh nhân nặng…; chỉ đạo đến từng xã, phường, thị trấn có ngay danh sách lực lượng ứng trực, từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, kèm số điện thoại, số đường dây nóng để báo cáo thành phố; danh sách người trong diện tiêm vét...

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đề nghị, các quận, huyện, thị xã bổ sung các trạm y tế lưu động cho địa bàn “nóng”; các túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà; rà từng trường hợp tiêm vét để bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa. Chủ tịch UBND thành phố nhắc đến việc ở quận Ba Đình có phường thành lập trạm y tế trực tuyến và đề nghị cấp cơ sở tiếp tục có thêm nhiều kênh thông tin đa dạng để tiếp nhận, chăm sóc kịp thời cho người dân. Các sở, ngành cũng phải có ngay kịch bản, phương án chi tiết để tăng cường cho hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở đến bổ sung nhân lực cho các tổng đài hỗ trợ ở địa bàn đông dân…

Đối với các ngành còn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch thì phải tổ chức họp ngay, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố xử lý kịp thời.

“Thành ủy sẽ có chỉ thị, UBND thành phố sẽ có công điện phân công cụ thể tới từng đơn vị. Trách nhiệm chúng ta là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.