Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012: Vẫn lúng túng trong chuyển đổi

Ngọc Quỳnh| 19/07/2017 06:51

(HNM) - Sau gần 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đã có nhiều hợp tác xã chuyển đổi theo mô hình mới, bước đầu hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị lúng túng trong việc xác định hướng sản xuất kinh doanh, thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý...

Sơ chế rau quả tại Hợp tác xã Rau quả sạch thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


"Bình mới, rượu cũ"

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT): Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, đã giúp nhiều hợp tác xã tìm được hướng đi mới, mở rộng thêm các ngành nghề, kinh doanh dịch vụ đa dạng đem lại hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên. Hiện cả nước có 8.375 hợp tác xã đã chuyển đổi theo luật, chiếm khoảng 80%, trong đó 2.416 đơn vị thành lập mới và 5.959 trường hợp đăng ký lại. Đến nay, cả nước có 19 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 10.756 hợp tác xã nông nghiệp.

Chất lượng hoạt động của các đơn vị đã chuyển biến, doanh thu bình quân đạt 1,1 tỷ đồng/hợp tác xã; lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập xã viên đạt 1,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), Hợp tác xã nông nghiệp Sản xuất thương mại và Dịch vụ Phước An (TP Hồ Chí Minh)… Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã nhìn chung vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Đa số các đơn vị, nhất là hợp tác xã nông nghiệp chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tổ thức theo mô hình cũ, chủ yếu tập trung vào những dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm. Một số hợp tác xã còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các hợp tác xã phi nông nghiệp vẫn giữ thói quen bán hàng truyền thống, chưa chú trọng thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì đẹp nên khả năng cạnh tranh hạn chế, tốc độ tăng trưởng chậm; các sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giá cả không ổn định nên hiệu quả kinh doanh đạt thấp...

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh cho rằng: Nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới nhưng vẫn mang hình thức “bình mới, rượu cũ”, vì số lượng thành viên, vốn góp, hoạt động dịch vụ giữ nguyên, không thay đổi. Việc nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ cho thành viên còn khó khăn do Luật Hợp tác xã năm 2012 yêu cầu phải bảo đảm tỷ lệ cung ứng dịch vụ từ 50% đến 68% cho các xã viên, nhưng thực tế một số đơn vị hoạt động yếu kém, sau chuyển đổi vẫn không thực hiện được việc này. Nhiều nơi không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước do không có tài sản thế chấp. Hiện tỷ lệ vốn góp của thành viên hợp tác xã theo quy định của luật không quá 30% vốn điều lệ là chưa phù hợp, làm hạn chế việc huy động vốn đầu tư vì một số xã viên có điều kiện nhưng chỉ được góp vốn theo quy định, trong khi đó có những người không có kinh tế nên cũng không đủ vốn để góp...

Cần nhiều sự hỗ trợ

Nông dân chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt


Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 15.000 hợp tác xã, trong đó 45% số này hoạt động có hiệu quả, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, dứt khoát các đơn vị phải mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ như: Tưới tiêu, khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác mới… Hợp tác xã phải là chủ công làm dịch vụ đầu ra, khuyến khích phát triển sản xuất như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, dịch vụ chế biến tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống cây trồng vật nuôi. Đối với hợp tác xã yếu kém, chưa tổ chức lại hoạt động theo luật, cần rà soát, tổ chức lại hoạt động hoặc xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác.

Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, đã có nhiều đơn vị kiến nghị, bộ, ngành liên quan bổ sung hành lang pháp lý, hỗ trợ hợp tác xã phát triển như: Quy định thanh lý tài sản khi giải thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi hợp tác xã kiểu cũ chuyển sang loại hình tổ chức khác; thực hiện quy định được vay tín chấp tối đa 500 triệu đồng, tăng vốn góp của thành viên lên 40% vốn điều lệ, thay vì 30% như hiện nay, chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp… Ông Lê Trọng Ngát, Giám đốc Hợp tác xã Khải Hưng (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho rằng: Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ hợp tác xã về kiến thức quản lý chuyên môn, kinh tế thị trường, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho xã viên.

Mặt khác, để các hợp tác xã phát huy hiệu quả sau khi chuyển đổi, thực sự trở thành cầu nối giúp xã viên và doanh nghiệp liên kết với nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực...

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.318 hợp tác xã đã thực hiện tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012, đạt 89% tổng số hợp tác xã. Trong đó gồm: 886 hợp tác xã nông nghiệp, 432 hợp tác xã phi nông nghiệp. Toàn thành phố có 281 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể do không đủ điều kiện tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012: Vẫn lúng túng trong chuyển đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.